Gian khổ của nhân viên thủy nông
Trên cánh đồng rộng lớn ở các thôn Thạnh Đức, Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), tổ thủy nông gồm 3 người dẫn nước vào tưới từng đám ruộng lúa. Hệ thống kênh mương nội đồng nhỏ hẹp, nhân viên thủy nông vừa dẫn nước vừa nạo vét mương khá vất vả.
Dọc tuyến mương cái N1, N2 dẫn nước tự chảy từ hồ chứa nước Phú Xuân (Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam) xuống thôn Thạnh Đức, Phước Nhuận chảy qua 2 xã, rác ngập đầu cống, kẹt dưới chân cầu dân sinh.
Cánh đồng rộng, kênh mương đầy rác
Công việc thường ngày của ông Nguyễn Văn Phước, nhân viên tổ thủy nông của thôn là chịu trách nhiệm dẫn nước tự chảy của hồ chứa nước Phú Xuân tưới cho cánh đồng thôn Thạnh Đức. Cánh đồng rộng gần 70ha nhưng 3 người của tổ thủy nông đảm nhận, dẫn nước từ các kênh mương đến ruộng lúa của bà con nông dân, đảm bảo đủ nước từ lúc gieo sạ đúng mùa vụ đến khi lúa chín.
Ông Phước cho hay: Cánh đồng thôn Thạnh Đức nằm ở cuối kênh mương của hồ Phú Xuân, mùa nắng nhiều khi không đủ nước. Tôi phải xin nước của hồ qua người điều tiết kênh đầu mối. Kênh mương xuống cấp cỏ vùi lấp cũng đồng nghĩa công việc của các nhân viên thủy nông sẽ phải nhiều hơn, khổ hơn. Vụ lúa kéo dài 3 tháng, nhân viên tổ thủy nông được trả 9 triệu đồng.
Cũng theo ông Phước, ngoài dẫn nước, nhân viên tổ thủy nông còn có trách nhiệm trong việc phát quang bờ mương, khơi thông dòng chảy, đắp mậu bờ mương… “Kênh mương dẫn nước từ hồ Phú Xuân chảy về đây qua thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước mang theo rác và gà vịt chết. Khi đến chỗ đầu cống, có lúc xác con heo to gần bằng cái cống cộng với rác thải nhựa làm chỗ họng cống “mắc cạn” đống rác thì nước nào chảy qua được. Xác động vật thì chúng tôi dùng cuốc kéo lên bờ, mang đi chôn; mùi hôi thối cũng chỉ biết bịt khẩu trang cho bớt mùi. Còn rác thải nhựa, có lúc chúng tôi hì hục cào hốt gần cả buổi chất lên bờ”, ông Phước bộc bạch.
Ông Phước cho biết thêm, xả rác dưới mương là một trong những nguyên nhân làm cho dòng chảy kênh mương bị nghẽn dẫn đến đưa nước về cuối kênh chậm, ruộng thiếu nước. Nếu ý thức người dân không được cải thiện thì những cố gắng của nhân viên thủy nông cũng không cứu nổi lúa khô héo.
Thức nửa đêm gà gáy
Diện tích quản lý rộng cũng đồng nghĩa công việc của các nhân viên tổ thủy nông hồ chứa nước Phú Xuân thêm phần khó khăn, vất vả. Những năm qua, biến đổi khí hậu phức tạp, nắng hạn kéo dài, vai trò của những người làm trong tổ thủy nông càng trở nên gian khổ. Họ phải xây dựng phương án, tính toán kỹ lưỡng để điều tiết nguồn nước tưới phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại.
Ông Phạm Văn Tâm, nhân viên tổ thủy nông phụ trách dẫn nước cánh đồng thôn Thạnh Đức chia sẻ: Cách đây 3 năm, vụ hè thu ruộng đồng quay quắt trong khô hạn. Mực nước trong các hồ chứa xuống thấp, nguy cơ không cung cấp đủ cho sản xuất.
Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã chỉ đạo phụ trách hồ chứa nước Phú Xuân cũng như các nhân viên khẩn cấp thực hiện các phương án chống hạn. Vụ hè thu nắng hạn, tổ thủy nông thực hiện đồng thời nhiều giải pháp phân phối lượng nước tưới phù hợp. Nông dân thấy nước chảy về mương là chắn ngang đưa nước về ruộng nên chúng tôi phải đi kiểm tra nửa đêm gà gáy mới phát hiện kịp thời xử lý. Nếu không kịp thời ngăn chặn điều tiết nước dẫn về cuối kênh thì e rằng toàn bộ diện tích lúa của bà con ở cánh đồng Núi Một bị mất trắng.
Còn ông Lê Văn Triệu, nhân viên tổ thủy nông thôn Phước Nhuận nói: Người dân thôn Phước Nhuận canh tác gần 90ha lúa. Nắng hạn, lượng nước tưới từ hồ chứa nước Phú Xuân đổ về hạn chế nên hầu như nước chảy đến đâu, các chủ ruộng tranh giành, chặn lấy nước đến đó. Không muốn đôi co, cự cãi với người dân, các nhân viên thủy nông chỉ còn cách lặng lẽ trong đêm, đi từng đám ruộng để tháo chặn ngang nước dẫn về cuối kênh. Chúng tôi chia thành từng ca, ăn cơm tối xong lại lên đường tháo, dẫn nước cho đến sáng suốt 2 tháng trời ròng rã mới kết thúc vụ hè thu.
Cũng theo ông Triệu, làm nhân viên thủy nông mà gặp nắng hạn thì rất khổ. Đợt hạn vừa qua hồ chứa nước Phú Xuân không đủ nước đưa về cuối kênh nên lắp đặt trạm bơm dã chiến trên sông Con. Anh em tổ chức bơm tưới ngày đêm cứu lúa cho bà con.
Ông Trương Lê Duy Phúc, Trưởng trạm hồ chứa nước Phú Xuân cho biết: Nhân viên của Trạm hồ chứa nước Phú Xuân đưa nước xuống kênh chính (N1, N2), rồi nhân viên thủy nông của thôn dẫn nước vào ruộng. Thường cánh đồng mỗi thôn có 3 nhân viên thủy nông. Vụ hè thu nắng hạn, mực nước hồ Phú Xuân xuống thấp nên đặt các trạm bơm dọc sông Con để bơm lên các kênh tưới bổ sung.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/320001/gian-kho-cua-nhan-vien-thuy-nong.html