Giận bão lắm!
Bên cạnh cái tên quốc tế là 'Yagi', bạn còn được người Việt Nam biết tới với cái tên 'số 3'.
Gửi cơn bão Yagi!
Thế là sau cuộc hành trình dài, bạn đã “ghé thăm” đất nước của tôi. Nhưng thật tiếc, trong chuyến “ghé thăm” này, năng lượng của bạn có vẻ được nạp hơi quá đà, bởi chưa bao giờ tôi chứng kiến sức tàn phá của một cơn bão mạnh mẽ và dữ dội như bạn.
Bên cạnh cái tên quốc tế là “Yagi”, bạn còn được người Việt Nam biết tới với cái tên “số 3” – bởi bạn là cơn bão số 3 trong năm 2024 hoạt động trong khu vực biển Đông. Khởi đầu của bạn giống như một cơn bão bình thường rồi dẫn tăng tốc “quá nhanh quá nguy hiểm”.
Lúc vào tới biển Đông bạn chỉ mạnh cấp 8, nhưng chỉ cần hơn hai ngày là đủ để bạn leo thêm 8 cấp nữa và trở thành siêu bão, đồng thời cũng giành luôn danh hiệu “cơn bão mạnh nhất hoạt động trên biển Đông trong khoảng 30 năm qua”.
Với tôi, sự xuất hiện của một cơn bão chẳng phải là điều gì quá bất ngờ, bởi năm nào cũng có trên dưới 10 cơn bão đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Chính vì vậy, khi mới nghe những thông tin ban đầu về bạn, tôi cũng không dành quá nhiều sự quan tâm.
Chỉ đến khi bạn mạnh thành siêu bão, tôi mới thực sự chú ý và theo dõi các thông tin liên quan qua báo đài. Và tôi càng bất ngờ rồi ngã ngửa người khi được biết rằng, “các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm khi có bão hình thành siêu bão ngay trên biển Đông”. Quả thực, bạn là món hàng “hiếm” do thiên nhiên tạo nên, lâu thật lâu mới xuất hiện một lần.
Và đúng như cái mác “siêu bão”, bạn đã quần cho miền Bắc một phen lao đao, tơi tả dù đã có thời gian chuẩn bị trước. Thái Bình – quê ngoại của tôi là một trong những nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi sức mạnh của bạn, cùng với Quảng Ninh và Hải Phòng.
Chao ôi, sao sức tàn phá của bạn gây ra khủng khiếp thế. Chỉ là nhìn qua video dì tôi quay lại mà có cảm giác rùng mình khi thấy bạn tung ra từng đợt gió ù ù khiến cây cối đổ rạp, lá bay lả tả khắp trời, và hoàn toàn có thể giật tung cửa và các đồ đạc khác trong một nốt nhạc nếu không được chằng buộc, chốt chặn cẩn thận.
Đi cùng với đó là mưa rất lớn khiến cho ngôi nhà của dì tôi quay mặt ra cánh đồng bị gió thổi hắt rất nhiều nước vào. Không chỉ phá hỏng cây cối, đồ đạc, nhà cửa, bạn còn tấn công cả những cây cột điện, khiến cả làng mất điện kéo dài.
Sau khi “quần” cho Thái Bình cùng với Quảng Ninh và Hải Phòng một trận tơi tả, bạn đã thẳng tiến tới Thủ đô Hà Nội – nơi gia đình tôi đang sinh sống vào buổi tối. Tuy sức mạnh của bạn đã phần nào suy yếu do phải di chuyển trên đất liền, không được cung cấp năng lượng, nhưng chừng đó đã là quá đủ để khiến Hà Nội phải ngả nghiêng.
Những tòa nhà cao tầng cứ tưởng kiên cố ung dung trước bạn thế nhưng cũng gặp phải hàng loạt sự cố, nhẹ thì nước hắt ào ạt, nặng thì không ít tấm kính bị giật tung. Mái tôn bị cuốn bay. Cây xanh đổ ngả nghiêng khắp các con phố…
Có lẽ, kể từ khi tôi nhận thức được về thế giới xung quanh, chưa bao giờ Hà Nội lại phải đón những cơn gió mạnh đến thế: Từ buổi chiều chúng đã ù ù từng đợt và đặc biệt “trở mặt” thành những luồng gió xoáy rất mạnh, luồn qua khắp các khe cửa ngôi nhà của tôi, tạo nên những tiếng rú rít khi tâm của bạn chính thức đi qua Hà Nội.
Cánh cửa ngách tầng thượng được làm bằng sắt rất nặng và khóa cẩn thận, thường ngày vốn im lìm thì cũng bị kéo giật tạo nên những âm thanh chói tai. Rồi tấm tôn trên tầng thượng bị mất một chiếc đinh, tiện đà bạn hung hăng hất đi hất lại làm bố và anh tôi phải bê cả bao tải cát chèn vào bạn mới chịu thua.
Mới 5 giờ chiều nhưng mẹ đã dọn bữa bảo ăn sớm không nhỡ mất điện. Nói thật là, bạn khiến cho tôi vốn vô lo vô nghĩ mà cũng cảm thấy ớn lạnh nên ăn cơm chẳng thấy ngon nữa.
Chỉ trong chưa đầy nửa ngày, bạn đã khiến nhiều tỉnh thành ở Đông Bắc Bộ trở nên tan hoang bởi những trận mưa lớn và gió giật mạnh. Phía ven biển, nhất là ở Quảng Ninh, lồng bè của các bác ngư dân cũng bị bạn đánh trôi. Thậm chí đã có người chết và mất tích.
Dù bạn hung hãn gieo rắc bao khổ đau xuống nhưng vẫn không thể nào dập tắt được tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam chúng tôi. Trước khi bạn đổ bộ vào đất liền 2 – 3 ngày, các chú bộ đội, công an đã chủ động giúp đỡ sơ tán những người dân trong khu vực nguy hiểm tới nơi tránh trú an toàn.
Để rồi khi bạn đổ bộ gây ra mưa, gió lớn, có rất nhiều hình ảnh đẹp đã được ghi lại: Trên các cung đường, có những chiếc xe ô tô lớn sẵn sàng đi chậm lại để giúp người đi xe máy có thể di chuyến được trong điều kiện gió bão lớn.
Hay ở Hà Nội có nhiều gia đình mở cửa những ngôi nhà, căn phòng và mời người vô gia cư, hoặc sinh viên, công nhân trọ thuê trong những căn nhà tạm, chưa an toàn có thể đến trú ngụ miễn phí.
Ai không có điều kiện bắt taxi, xe ôm để đến thì chủ nhà thông tin sẽ sẵn sàng hỗ trợ cùng với đồ ăn, nước uống… Những hình ảnh đẹp, những hành động nhân văn ấy đã được lan tỏa trên khắp các trang báo, mạng xã hội, gửi đi thông điệp về tinh thần đoàn kết của người Việt Nam trong bất kì hoàn cảnh nào.
Thật lòng, tôi giận, thậm chí ghét bạn! Bởi lẽ, bạn đã quậy phá, khiến cho đất nước chúng tôi bị thiệt hại rất nặng nề về cả con người và vật chất. Nhất là nối sau đó bạn còn để lại những trận mưa lớn khủng khiếp, tiếp tục gây ra nhiều thảm họa khôn lường như lũ lụt, sạt lở… cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, tôi không và chẳng bao giờ mong bạn ghé vào đất nước của tôi thêm lần nào nữa. Bạn hãy tránh xa chúng tôi ra.
Chào nhé, không hẹn gặp lại bạn!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gian-bao-lam-post700426.html