Giảm thuế, kích cầu mua sắm: 'Giải cứu' doanh nghiệp bán lẻ

Tình hình kinh tế thế giới hiện đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, điển hình là nhóm ngành bán lẻ. Dù nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao công tác quản trị, thu hẹp số lượng cửa hàng nhưng kết quả kinh doanh vẫn không mấy khả quan...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một chục trứng gà giá từ 34.000 đồng giảm còn 24.000 đồng. Các thương hiệu lớn cũng khuyến mãi khách mua một chục được tặng kèm 2 trứng hay tặng kèm vỉ nhỏ 6 trứng tùy loại... Hàng trăm mặt hàng được khuyến mãi liên tục trong thời gian qua ở nhiều siêu thị như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, WinMart… với thời gian kéo dài. Song, theo tiết lộ của lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, doanh thu từ đầu năm đến nay vẫn sụt giảm, kéo theo lợi nhuận thụt lùi so với cùng kỳ năm trước.

KHÔNG BỎ LỠ CƠ HỘI LỚN NHỎ

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thừa nhận chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay. Trong nhiều giai đoạn khó khăn trước đây, trứng là loại thực phẩm thiết yếu và giá rẻ, vẫn luôn đắt hàng. Thế nhưng hiện nay ước tính doanh số bán hàng giảm khoảng 20%. Trong đó, ế ẩm nhất là kênh tiêu thụ sỉ cho các doanh nghiệp chế biến hay suất ăn công nghiệp đã giảm lên đến 40 - 50%. Công ty đã cắt giảm nhiều loại chi phí và dời lại toàn bộ kế hoạch phát triển sản phẩm mới, mở rộng sản xuất nhưng cũng chỉ hòa vốn, không có lãi.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động hệ thống siêu thị Co.opmart, xu hướng của người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ngày càng rõ. Siêu thị phải tăng cường khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhưng chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua vẫn chậm chạp. “Việc gia tăng khuyến mãi sẽ khiến doanh nghiệp phải giảm bớt lợi nhuận nhưng đó là việc phải làm để duy trì sức mua, cố gắng giữ ổn định doanh thu và hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.

Người dân bị giảm thu nhập, nhiều hộ gia đình khó khăn hơn, nên sức mua càng sụt giảm.

Người dân bị giảm thu nhập, nhiều hộ gia đình khó khăn hơn, nên sức mua càng sụt giảm.

Dù đang mùa nắng nóng và khuyến mãi liên tục nhưng trái với mọi năm, các cửa hàng bán máy lạnh, quạt… năm nay vẫn ế dài. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động công bố lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm đến 99% so với số lãi 1.445 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Digiworld - một “ông trùm” bán lẻ trong ngành điện máy và điện thoại, cũng nhìn thấy lợi nhuận bị bóp nghẹt trong quý 1/2023. Lãi ròng quý đầu năm 2023 của Digiworld chỉ đạt gần 80 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Đây là thực trạng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lo ngại. Cách đây mấy ngày, Công ty TNHH PouYuen VN thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 5.700 người. Đây là đợt cắt giảm lao động thứ hai kể từ đầu năm đến nay của công ty này. Trước đó, tháng 3/2023, công ty đã phải giảm gần 2.360 người lao động. Hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này khiến cho người dân bị giảm thu nhập, nhiều hộ gia đình khó khăn hơn nên sức mua sẽ càng sụt giảm.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, cho rằng hai quý cuối năm 2023 tình hình sẽ khả quan hơn vì đơn hàng xuất khẩu, đơn hàng gia công vốn sụt giảm trầm trọng nay đang có những dấu hiệu phục hồi. “Nhà nước sẽ đẩy mạnh đầu tư công để gia tăng công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đó là dấu hiệu mà có thể kỳ vọng quý 3 và quý 4/2023 sẽ khả quan hơn. Thị trường hiện nay đã khác nhiều, chúng tôi sẽ tận dụng từng cơ hội để bán hàng và tiếp tục phấn đấu cho tăng trưởng của năm nay”, ông Tài khẳng định...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giam-thue-kich-cau-mua-sam-giai-cuu-doanh-nghiep-ban-le.htm