Giảm tải cho giáo dục nhờ xã hội hóa

Đồng Nai là một trong những địa phương có tỷ lệ trường lớp được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thuộc tốp cao của cả nước, góp phần không nhỏ vào giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập, giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Hệ thống giáo dục IGC cất nóc tòa nhà 6 tầng với 35 phòng học và các phòng chức năng tại H.Trảng Bom chỉ sau 4 tháng xây dựng. Ảnh: C.Nghĩa

Trong buổi làm việc mới đây của Thường trực Tỉnh ủy với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhấn mạnh, cần xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương xã hội hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới với sự công khai, minh bạch về cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực phát triển xã hội.

* Khó giảm quá tải nếu không xã hội hóa

Sau nhiều nỗ lực, đến nay Đồng Nai đã hình thành một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục đã đáp ứng được nhiều phân khúc, phù hợp với nhu cầu của phụ huynh khác nhau. Trong số trên 900 cơ sở giáo dục, tỷ lệ các cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh chiếm trên 20%, riêng tại TP.Biên Hòa số lượng học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục tư thục chiếm gần 50%.

Dù đã thu hút một nguồn lực lớn nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn là chưa đủ giải tỏa áp lực cho hệ thống giáo dục công lập. Điển hình nhất là địa bàn TP.Biên Hòa, khi nhiều năm nay được đầu tư lớn nhưng vẫn đang loay hoay giải bài toán thiếu trường lớp, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp nhất tỉnh, nguy cơ phải dạy học ca ba luôn thường trực. Nhiều phường, số lượng trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu số trẻ cần đến lớp; còn ở bậc tiểu học và THCS, số lượng học sinh trên lớp luôn vượt chuẩn.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục khoảng 1 ngàn tỷ đồng

Toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở giáo dục tư thục được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chiếm trên 20% tổng số cơ sở giáo dục toàn tỉnh (cả nước là 6,68%), trong khi đó số lượng học sinh chiếm trên 15% (cả nước là 6%). Ước tính số vốn thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 1 ngàn tỷ đồng.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, bình quân mỗi năm Biên Hòa tăng thêm 8-10 ngàn học sinh. Do không đủ phòng học nên nhiều trường đang có sĩ số học sinh vượt chuẩn. Chẳng hạn, với bậc tiểu học, quy định là không quá 35 học sinh/lớp, nhiều trường đang phải thực hiện trên 40 học sinh/lớp, thậm chí là 50 học sinh/lớp. Dù thực hiện vượt sĩ số chuẩn nhưng nhiều trường vẫn phải đi học nhờ ở trường khác, hoặc phải thuê lại phòng học của một trường cao đẳng để học sinh có phòng học.

Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho hay, huyện đang thực hiện đồng bộ đầu tư cả trường lớp bằng ngân sách và xã hội hóa chứ không thể trông chờ hết vào ngân sách nhà nước, trong đó ưu tiên cho khu vực đông dân như các xã: Bắc Sơn,
Hố Nai 3, Bình Minh và TT.Trảng Bom. Nhờ xã hội hóa mà sĩ số học sinh/lớp ở những địa bàn này đã giảm về mức chuẩn sĩ số theo quy định, tạo thuận lợi nâng cao chất lượng, đồng thời thực hiện chiến lược nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.

* Ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục

Trong buổi làm việc của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT đầu năm học mới 2022-2023, Phó giám đốc Sở Tài chính Đặng Thị Kim Thắm cho biết: “Hàng năm, tỉnh đều dành nguồn lực rất lớn phân bổ cho sự nghiệp GD-ĐT, chiếm đến trên 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh, tương đương 5.467 tỷ đồng”.

Dù được quan tâm dành nguồn lực rất lớn nhưng ngành GD-ĐT và các địa phương vẫn đang phải loay hoay với nhiều khó khăn về tiếp tục đầu tư đảm bảo đủ trường lớp, trang thiết bị dạy học và có đủ biên chế để vận hành hệ thống các cơ sở giáo dục. Không dừng lại ở đó, việc cải cách chính sách tiền lương và hỗ trợ giáo viên nâng cao đời sống đang gặp khó khăn vì nguồn lực hạn chế. Tất cả những khó khăn trên sẽ khiến ngành GD-ĐT khó nâng cao chất lượng dạy và học. Do đó, ưu tiên và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục càng trở nên bức thiết.

Lãnh đạo một địa phương chia sẻ, nếu thu hút được nguồn lực xã hội hóa giáo dục thì ngân sách địa phương sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều, bởi xây một trường học phải có đất, có tiền và chưa kể đến chi phí thường xuyên cho các hoạt động của một cơ sở giáo dục hàng năm không phải là nhỏ. Để có một ngôi trường công lập đầu tư bằng vốn ngân sách thường mất rất nhiều thời gian, từ 3-5 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Ban đầu dự kiến chỉ tốn khoảng 10 tỷ đồng nhưng vì triển khai quá lâu nên đến khi xây dựng xong, chi phí đội lên gấp đôi, do trượt giá và giá cả vật tư xây dựng tăng.

Trong khi xây dựng thành công một ngôi trường bằng ngân sách khá chật vật vì kinh phí và thủ tục thì các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục lại thực hiện tương đối thuận lợi. Chẳng hạn, Hệ thống giáo dục Á Châu (ABC EDU) tại TP.Biên Hòa chỉ mất hơn 5 năm để hoàn chỉnh một hệ thống trường từ mầm non đến THPT hiện đại. Hay Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng chỉ mất hơn 1 năm để hoàn thành ngôi trường quốc tế dành cho những phụ huynh có khả năng đầu tư lớn cho con em mình học tập tại TP.Biên Hòa. Tương tự, đại diện Hệ thống giáo dục IGC cho biết, từ khi được cơ quan chức năng phê duyệt và cấp giấy phép, công ty chỉ mất 8 tháng để hoàn thành một khối phòng học cao 6 tầng với quy mô 35 phòng học và các phòng chức năng tại H.Trảng Bom. Hiện quy mô của Hệ thống giáo dục IGC tại Đồng Nai lên đến 13 ngàn học sinh và 3 ngàn giáo viên.

Theo các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, Đồng Nai vẫn là địa bàn tiềm năng vì nhu cầu trường lớp vẫn còn rất lớn và các doanh nghiệp đang tiếp tục tìm hiểu đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là quy hoạch quỹ đất và thời gian phê duyệt các thủ tục đầu tư để doanh nghiệp có thể triển khai đầu tư. Nếu các chính sách ưu đãi và thủ tục được tạo điều kiện tối đa sẽ kích thích đầu tư mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp, giúp chia sẻ nguồn lực đầu tư với nhà nước, thậm chí các doanh nghiệp còn có thể đóng góp thêm cho ngân sách.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202304/giam-tai-cho-giao-duc-nho-xa-hoi-hoa-3162194/