Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Trong những ngày mưa rét vừa qua, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Địa phương này đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong xây dựng các công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng. Kết quả từ thực tế đã cho thấy những lợi ích thiết thực từ việc chủ động chuẩn bị năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng để giảm thiểu rủi ro.

Cầu vượt/tránh lũ giúp người dân thôn Bản Thăng đi lại thuận lợi và giảm thiểu được rủi ro mỗi khi đến mùa mưa lũ. Ảnh: Bích Nguyên

Cầu vượt/tránh lũ giúp người dân thôn Bản Thăng đi lại thuận lợi và giảm thiểu được rủi ro mỗi khi đến mùa mưa lũ. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Lục Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết: “Tùng Vài là xã biên giới, với diện tích tự nhiên hơn 74km2, có 11 thôn, bản. Hiện, Tùng Vài là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em, trong đó, có 1 dân tộc rất ít người là dân tộc Bố Y. Toàn xã có hơn 1.000 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu. Một trong những khó khăn của xã là tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, chiếm 78% dân số. Về điều kiện tự nhiên, xã Tùng Vài có địa hình núi cao, nhiều suối chảy qua, vào mùa mưa thường xảy ra lũ, gây sạt lở các tuyến đường, ảnh hưởng tới việc đi lại của bà con".

Thông tin cụ thể hơn về tình hình thiên tai, anh Sùng Hồ Sinh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tùng Vài cho hay: “Trong những năm vừa qua, địa phương chúng tôi chịu tác động không nhỏ của các loại hình thiên tai đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng kế hoạch hành động sớm để ứng phó với thiên tai”.

Cụ thể, xã Tùng Vài đã xác định được các loại hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trong xã, bao gồm: Sạt lở, rét đậm, rét hại, sét, sương mù, mưa đá, gió lốc, lũ quét, ngập úng, trong đó, có 3 loại hình thiên tai điển hình nhất là mưa to kèm gió lốc, ngập úng và sạt lở đất, đá. Trong khoảng thời gian mùa mưa, trọng điểm là tháng 6 và 7, một số khu vực trũng thấp của xã như thôn Bản Thăng và Suối Vui thường bị ngập úng. Đây cũng là khu vực trồng lúa nước tập trung của xã Tùng Vài. Nếu năm nào bị ngập lâu, bà con sẽ mất trắng, không được thu hoạch.

Với sự hỗ trợ của các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong những năm qua, xã Tùng Vài đã được đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với thiên tai. Một trong số đó là công trình cầu tránh/vượt lũ thôn Bản Thăng. Cầu dài 9m, rộng 2,5m, khánh thành vào tháng 12/2022.

Trước khi có cây cầu này, người dân trong thôn dùng hai thanh sắt rộng khoảng 30cm bắc qua con suối để đi lại. Với hai thanh sắt, chúng tôi chỉ có thể đi bộ. Mỗi khi đến mùa mưa lũ, trẻ em trong bản rất sợ khi phải đi qua suối, nên các em thường nghỉ học. Người dân đã đề xuất chính quyền địa phương xây dựng cây cầu này, tuy nhiên, nguồn kinh phí rất lớn nên chưa đáp ứng được. Niềm vui đĩa về Bản Thăng khi tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam kết nối với các đối tác hỗ trợ xây dựng cầu. Từ khi có cây cầu này, trẻ em trong bản đã có một con đường đến trường an toàn tiếp tục học tập, còn người dân thì thuận tiện hơn trong giao thương buôn bán, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong mùa mưa lũ.

Chị Thèn Thị Trâm, người dân thôn Bản Thăng nhớ lại: “Khi chưa có cầu, việc đi lại của người dân chúng tôi rất vất vả, xe máy không đi qua được, chúng tôi chỉ có cách đi bộ. Nếu nước lên to, chúng tôi cũng không đi bộ qua lại con suối này được, bên kia không qua bên này được và ngược lại. Những lúc như thế, chúng tôi bị cô lập đến khi nước rút. Từ khi có cây cầu này, chúng tôi đi lại thuận tiện hơn”.

Chị Trâm cho biết thêm, hiện vẫn còn một khu vực bị trũng, ngập nước khi mưa về. "Mấy năm trước, chúng tôi đã từng hứng chịu một cơn lũ lớn, chảy ầm ầm làm đổ 3 ngôi nhà nhưng may mắn là không có thiệt hại về người. Vì vậy, chúng tôi rất mong có một dự án hỗ trợ để xây dựng một bờ kè ngăn nước tràn vào nhà dân” – chị Trâm nói.

Cầu vượt tránh lũ thôn Bản Thăng từ khi đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân giảm thiểu được những rủi ro do thiên tai, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về nhiều mặt cho người dân ở đây. Anh Lử Chiều Đoàn, Trưởng thôn Bản Thăng thông tin: “Ở khu vực này có gần 50 hộ, khoảng hơn 200 người sinh sống. Nếu không có cây cầu này, người dân ở đây phải đi vòng qua khu dân cư khác mới lên nương được. Từ khi xây dựng cây cầu này đã giúp rút ngắn thời gian bà con đi nương rẫy, từ 35 phút xuống còn 10 phút. Cộng đồng dân cư xung quanh đây cũng được hưởng lợi khi có cây cầu giúp bà con có nhiều điều kiện giao lưu, thăm hỏi nhau hơn”.

Hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Suối Vui hoạt động ổn định ngay cả trong mùa mưa bão, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông vào buổi tối. Ảnh: Bích Nguyên

Hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Suối Vui hoạt động ổn định ngay cả trong mùa mưa bão, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông vào buổi tối. Ảnh: Bích Nguyên

Ngoài cây cầu tránh lũ, xã Tùng Vài còn được hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Suối Vui. Anh Thèn Xuân Hồng, người dân tại địa phương phấn khởi cho biết: “Đây là niềm ao ước của người dân chúng tôi nhiều năm qua. Hệ thống đèn giúp chiếu sáng vào buổi tối, việc đi lại dễ dàng hơn. Tôi rất thích và mong muốn có thêm nhiều thôn bản được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng”.

Anh Vương Phát Quý, đoàn viên thanh niên xã Tùng Vài cho biết: “Năm 2023, chúng tôi được ActionAid hỗ trợ xây dựng hệ thống gồm 28 bộ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Suối Vui. Hệ thống đèn được xây dựng vững chắc, sử dụng năng lượng sạch, đảm bảo an toàn và hoạt động hiệu quả cả trong mùa mưa bão. Hệ thống đèn đường này giúp cho bà con đi lại, sinh hoạt vào buổi tối thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây mà lại tiết kiệm chi phí vận hành”.

Cùng với việc xây dựng các công trình ứng phó với thiên tai, xã Tùng Vài cũng thực hiện cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai. Anh Sinh cho biết: “Chúng tôi tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai, sơ tán người khỏi vùng ngập lụt, chằng cột mái nhà, sơ tán vật nuôi, lương thực lên cao; sơ cấp cứu người bị nạn. Về lực lượng, chúng tôi thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tổ chức lực lượng thường trực tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân”.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng tại xã Tùng Vài đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Theo thông tin từ xã Tùng Vài, trong những năm qua, nhờ chủ động ứng phó, xã Tùng Vài không ghi nhận thiệt hại về người do thiên tai, thiệt hại về tài sản cũng được giảm thiểu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giam-nhe-rui-ro-thien-tai-dua-vao-cong-dong-post473340.html