Giảm nghèo hiệu quả
Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Vạn Ninh giảm dần, đời sống người dân được nâng cao. Để tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên, nhất là hộ nghèo ở 4 xã bãi ngang ven biển, huyện rất cần nguồn hỗ trợ phát triển từ Trung ương, tỉnh…
Nhiều chính sách thiết thực
Gia đình ông Lại Minh Sang là hộ nghèo ở thôn Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng). Nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, ông đã đầu tư làm lồng bè nuôi tôm, phát triển kinh tế gia đình. Ông Sang cho biết: “Cơn bão số 12 năm 2017 không chỉ làm sập nhà mà còn đánh tan 10 lồng nuôi tôm hùm của gia đình. Trắng tay, tôi như gục ngã trên đống nợ. Trong lúc khó khăn, các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ hơn 50 triệu đồng xây cho gia đình căn nhà mới và tạo điều kiện cho tôi vay vốn ưu đãi để gây dựng lại lồng bè. Đến nay, tôi đã khôi phục lại được 7 lồng tôm và xuất bán được 2 đợt. Nhờ đó, tôi có tiền trả bớt nợ và đầu tư thêm lồng bè”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thứ (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) không chỉ được vay vốn ưu đãi hộ nghèo để đóng thuyền đánh bắt hải sản mà còn được hỗ trợ đào tạo nghề sửa chữa máy tàu. Ông Thứ kể: “Trước đây, cả gia đình tôi sống bằng nghề nhặt ve chai và đi biển thuê. Nhà nghèo đến nỗi 2 đứa con bỏ học từ lớp 7 để đi làm. Được Nhà nước hỗ trợ, tôi vay vốn đóng thuyền, hành nghề đánh cá. Giờ đây, từ nghề đánh cá và sửa máy tàu, mỗi tháng gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng, cuộc sống đã bớt khó khăn và tôi cũng đã trả gần hết nợ”...
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, thời gian qua, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo. Từ đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ: Giáo dục, y tế, tín dụng… Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được huyện cấp hơn 14.700 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ hơn 300 triệu đồng xây 6 căn nhà; hỗ trợ tiền điện, gạo, học phí… Nhờ đó, năm 2018, huyện đã giảm được hơn 800 hộ nghèo. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải ngân hơn 49,9 tỷ đồng cho hơn 2.700 hộ vay vốn tín dụng; mở 15 lớp dạy nghề cho hơn 400 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 10 lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Qua đó giảm được hơn 380 hộ/1.313 hộ nghèo…
Chờ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất
Năm 2017, 4 xã gồm: Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Thạnh, Vạn Khánh được Chính phủ công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020. Từ chính sách của Trung ương, chỉ tính riêng trong năm 2019, 4 xã bãi ngang đã được hỗ trợ hơn 19,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và nước sạch. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 8,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 11 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ, huyện triển khai 27 dự án. Đến nay, các dự án đã được hoàn thành, góp phần tạo thuận lợi cho người dân đi lại, được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế cho người dân ở 4 xã bãi ngang ven biển vẫn chưa được triển khai do nguồn vốn chưa được phân bổ cho địa phương. Theo lãnh đạo huyện, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời khảo sát, lựa chọn, bình chọn hơn 120 hộ có đủ điều kiện để xây dựng mô hình phát triển kinh tế với tổng nguồn vốn cần hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của người dân hơn 800 triệu đồng. Những hộ được lựa chọn đã dành quỹ đất, xây dựng khu chuồng trại chờ cấp vốn để mua con giống, cây trồng phát triển kinh tế. Các địa phương đã liên tục kiến nghị nhưng vẫn chưa được cấp vốn.
Ông Trần Ngọc Khiêm cho biết, huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,72% xuống còn 3,7% (tức giảm hơn 700 hộ nghèo). Do vậy, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tập trung triển khai các chính sách, giải pháp giảm nghèo, đồng thời đề nghị Trung ương và tỉnh sớm bổ sung nguồn vốn theo quy định của Chính phủ cho các xã bãi ngang ven biển.
VĂN GIANG
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201909/giam-ngheo-hieu-qua-8129924/