Giảm lãng phí thực phẩm - 'gieo mầm' kinh tế tuần hoàn từ căn bếp đô thị

Chất thải thực phẩm tưởng chừng chỉ gắn với chuyện bếp núc gia đình, đang dần trở thành một thách thức toàn cầu, đặc biệt nhức nhối tại các thành phố đang ngày càng mở rộng, đô thị hóa nhanh chóng như Hà Nội.

Lãng phí thực phẩm đang là vấn đề lớn tại các thành phố phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Food Bank Việt Nam)

Lãng phí thực phẩm đang là vấn đề lớn tại các thành phố phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Food Bank Việt Nam)

Thức ăn thừa - nan đề của đô thị hóa và nhận thức

Tại cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cho biết, sự gia tăng chất thải thực phẩm, lãng phí thực phẩm có tác động tiêu cực đến tính bền vững của môi trường, tạo gánh nặng cho hệ thống quản lý chất thải, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Đây cũng là nguyên nhân góp phần vào ba cuộc khủng hoảng môi trường lớn hiện nay: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Theo Chỉ số Chất thải Thực phẩm 2024 của UNEP, năm 2022, hơn 1 tỷ tấn thực phẩm đã bị lãng phí trên toàn cầu - tương đương gần 1/5 sản lượng thực phẩm dùng cho tiêu dùng. Đáng chú ý, phần lớn số thực phẩm đó bị loại bỏ ngay tại khâu tiêu dùng trong hộ gia đình. Điều này cho thấy, lãng phí không còn là vấn đề riêng của các quốc gia giàu có, mà là câu chuyện toàn cầu - nơi sự thiếu hụt nhận thức và hành vi tiêu dùng thiếu bền vững vẫn phổ biến.

Tình hình này cũng phổ biến tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát được Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường thực hiện trong thời gian từ tháng 9/2024 đến tháng 5/2025 tại Hà Nội, lượng chất thải thực phẩm phát sinh từ các hộ gia đình tại Thủ đô là đáng báo động - ước tính khoảng 112kg/người/năm, chiếm tới 63,2% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh một bộ phận người dân có ý thức, việc phân loại, tái sử dụng hay tái chế thực phẩm thừa vẫn chưa trở thành hành vi phổ biến. Đa phần rác thải vẫn được đổ chung, khiến công tác xử lý trở nên phức tạp hơn và lãng phí tài nguyên hữu cơ có thể tận dụng.

Không chỉ giới hạn ở quy mô hộ gia đình, tại các cơ sở kinh doanh ăn uống và bán lẻ, chất thải thực phẩm chiếm từ 52 - 97% tổng rác thải rắn. Trong đó, các nhà hàng thải ra lượng lớn thức ăn thừa, trong khi các cửa hàng bán lẻ chủ yếu loại bỏ thực phẩm hết hạn hoặc hư hỏng - phần lớn vẫn có khả năng tái sử dụng. Tuy đã có những cơ sở chủ động đưa thực phẩm thừa sang chăn nuôi hoặc làm phân compost, nhưng rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và sự kết nối trong chuỗi xử lý.

Kinh tế tuần hoàn - “chìa khóa” bền vững từ sự phối hợp đa ngành

Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia thành công trong việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm thường áp dụng cách tiếp cận toàn diện và hệ thống, thay vì chỉ tập trung vào một vài giải pháp kỹ thuật đơn lẻ. Cụ thể, một chiến lược hiệu quả cần bao gồm nhiều trụ cột đồng bộ, với trọng tâm là hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời hướng đến sự thay đổi hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo đó, các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng về quản lý chất thải thực phẩm, cùng với các chính sách khuyến khích và chế tài phù hợp, sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho nỗ lực giảm lãng phí.

Từ năm 2018, Việt Nam đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia “Không còn nạn đói đến năm 2025”, trong đó xác định giảm thất thoát và lãng phí lương thực là mục tiêu quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững. Để hiện thực hóa chính sách này, cần đẩy mạnh hướng dẫn người dân lập kế hoạch bữa ăn hợp lý, phân loại rác tại nguồn để xử lý chất thải hữu cơ, khuyến khích doanh nghiệp và siêu thị hợp tác tái phân phối thực phẩm còn dùng được, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ kỹ thuật và ưu đãi cho các mô hình cộng đồng giảm lãng phí. Những nỗ lực này cần được lồng ghép vào truyền thông, giáo dục và quy định pháp luật để tạo chuyển biến hành vi trên diện rộng.

Nhiều chuyên gia đề xuất cần xây dựng quy định pháp luật riêng về chất thải thực phẩm, bao gồm các bước phát sinh, phân loại và xử lý. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích tái sử dụng thực phẩm thừa như làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân compost thông qua ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ kỹ thuật. Một số đề xuất khác cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong theo dõi, quản lý và giám sát chất thải thực phẩm. Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp theo dõi lượng thực phẩm bị lãng phí mà còn kết nối chuỗi cung ứng tái sử dụng.

Trên hết, giải quyết “bài toán” chất thải thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật hay chính sách, mà đòi hỏi sự thay đổi hành vi và hành động cụ thể từ mỗi cá nhân. Để Hà Nội và các đô thị tại Việt Nam có thể bước vào kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn, hành trình có thể bắt đầu từ chính căn bếp của mỗi gia đình.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giam-lang-phi-thuc-pham-gieo-mam-kinh-te-tuan-hoan-tu-can-bep-do-thi-post549016.html