Giám đốc BHXH Hà Nội: Cần khởi tố, xử điểm 1-2 vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội để lan tỏa
Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô, ông Phan Văn Mến – Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, BHXH TP đã chuyển hồ sơ 15 đơn vị trốn đóng BHXH sang cơ quan điều tra…
- Mặc dù số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi năm 2023 đã giảm đáng kể, song Hà Nội vẫn là địa phương có số chậm đóng BHXH cao nhất cả nước. Xin ông thông tin rõ hơn về việc này?
Ông Phan Văn Mến:
Năm 2023, Hà Nội có 53.239 đơn vị chậm đóng BHXH (với 639.010 lao động), tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là 4.260 tỷ đồng, số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng.
Tổng nợ hiện nay là trên 6% nhưng sau khi trừ đi số nợ không thể thu hồi được do doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn… thì tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi của thành phố còn xấp xỉ 2,3%, đã giảm 0,2% so với năm 2022 và giảm đáng kể so với những năm trước đây.
Đúng là Hà Nội và TP HCM hiện đứng nhất nhì cả nước về tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi. Tuy nhiên cần phải nói rằng, xét về tỷ lệ thì tỷ lệ nợ BHXH của Hà Nội và TP HCM tương đương mức bình quân chung của cả nước. Do đây là hai thành phố lớn nhất cả nước, có số người lao động tham gia BHXH đông nhất cả nước nên tính theo số nợ tuyệt đối thì cao nhất cả nước.
Một khó khăn khách quan khác là số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý chậm đóng BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 15.470 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể với số tiền chậm đóng là 1.765,5 tỷ đồng, chiếm 41,44% tổng số tiền chậm đóng.
Điều quan trọng là công tác giải quyết tình trạng chậm đóng BHXH đang đạt được những kết quả tích cực, trừ đi số nợ không thể thu hồi thì tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi đã xuống dưới 2,3%. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố, và hy vọng trong năm 2024, số nợ BHXH của Hà Nội sẽ giảm đi, không phải đứng đầu cả nước như hiện nay, với mục tiêu cao nhất là giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
- Để giảm tỷ lệ đơn vị chậm đóng BHXH khá ấn tượng như phân tích kể trên, BHXH TP Hà Nội đã triển khai những giải pháp như thế nào và sẽ có biện pháp gì mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024, thưa ông?
Ông Phan Văn Mến:
Có các yếu tố chính giúp đạt được kết quả giảm tỷ lệ nợ BHXH thời gian gần đây, đó là công tác truyền thông được triển khai tốt; kiên trì thực hiện công tác đôn đốc thu nợ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm…
Năm 2023, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp như đôn đốc thu nợ hàng tháng (mỗi tháng gửi công văn đôn đốc đến 2 lần); sau đó tiếp tục rà soát các đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên để tổ chức kiểm tra. Khi kiểm tra, các đơn vị vẫn cố tình chây ỳ thì BHXH Hà Nội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, UBND các quận huyện, hoặc độc lập thanh tra chuyên ngành để xử lý các tổ chức vi phạm.
Trong năm 2023, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với các Sở ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra 5.182 đơn vị. Số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra đã nộp để khắc phục chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên tới trên 515 tỷ đồng, tức khắc phục 79% số nợ.
Không chỉ vậy, qua thanh tra còn xử lý được nhiều đơn vị cố tình chây ỳ hoặc không tham gia đóng đủ tiền BHXH cho số người lao động thực tế. Cũng trong năm 2023, đã ban hành 112 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tăng 62 đơn vị (hơn gấp đôi) so với năm 2022.
- Đối với một số trường hợp nợ lớn, chây ỳ lâu năm, có nên kiến nghị xử lý hình sự để răn đe, thưa ông?
- Ông Phan Văn Mến:
Tính từ khi thực hiện Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, BHXH TP Hà Nội đã chuyển 7 đơn vị có số nợ lớn sang cơ quan điều tra. Năm 2023, đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chuyển tiếp hồ sơ 15 đơn vị sang cơ quan điều tra CATP Hà Nội; đề nghị cơ quan điều tra xử lý, truy tố theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa nhất quán giữa các cơ quan nên đến nay vẫn chưa đưa ra xử lý hình sự được vụ việc nào.
Thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị UBND TP chỉ đạo CATP xử lý điểm 1-2 đơn vị vi phạm để tạo sức lan tỏa.