Giải pháp thúc đẩy giảng dạy và thực hành các kỹ năng số

Chương trình giáo dục công dân số thuộc Dự án 'Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông cho thanh thiếu niên thành phố Trà Vinh' (Dự án K2). Đây là chương trình nhằm định hướng giải pháp thúc đẩy giảng dạy và thực hành các kỹ năng số qua chương trình giáo dục công dân số, giúp học sinh tiếp cận nội dung và phương pháp hiện đại, được cập nhật liên tục theo thời gian thực tế về an toàn và bảo mật thông tin cá nhân trên không gian số, quản lý tài chính cá nhân trong thế giới số.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai trong giờ học.

Thành phố Trà Vinh là đô thị trung tâm của tỉnh, tại đây, người dân và thanh, thiếu niên đang chịu tác động từ sự phát triển của các nền tảng xã hội trực tuyến như Facebook, Zalo, YouTube và Twitter, nhất là dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của cả xã hội, khu vực thành thị và nông thôn, đồng thời càng cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng số đối với việc học tập.

Theo Đề án Quốc gia về phát triển xã hội giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 kêu gọi đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với hệ thống giáo dục hiện đại, cởi mở, đa dạng và thích ứng, nhưng việc nâng cao kỹ năng số vẫn chưa được tích hợp đầy đủ, chính thức vào chương trình giảng dạy ở trường học trên địa bàn thành phố Trà Vinh nói chung và vùng dự án (Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức) nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết: qua thống kê nhanh cho thấy tại các trường này về cơ sở vật chất còn hạn chế, cụ thể là máy tính để phục vụ việc học tập đã xuống cấp và giáo viên bộ môn cần cập nhật, bổ sung thêm nhiều kiến thức về công nghệ số, kinh nghiệm hoạt động trên môi trường số nhằm thực hiện giảng dạy các lớp nâng cao kỹ năng số. Vì thế, việc triển khai dự án K2 là việc làm cần thiết nhằm giúp người dân trong thành phố có cuộc sống tốt đẹp hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức hơn trên các lĩnh vực về quyền của phụ nữ về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, về y tế,…và sắp tới là các lĩnh vực về giáo dục và về công nghệ số với đối tượng là học sinh và thanh niên.

08 năm qua, dự án do Actionaid Quốc tế tại Việt Nam và ChildFund Korea đã hỗ trợ UBND thành phố Trà Vinh hơn 21 tỷ đồng để thực hiện các chương trình dự án nhằm hỗ trợ các đối tượng yếu thế trên địa bàn Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức. Các hoạt động dự án đã tác động tích cực cho thành phố trong công tác giảm nghèo từ mô hình sinh kế, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, các sáng kiến cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của thiên tai... Trong năm 2024, ngoài 03 phường xã của dự án đã thực hiện, dự án sẽ mở rộng thêm Phường 2 và Phường 6 của thành phố Trà Vinh. Dự án hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên, trong đó tập trung thúc đẩy các dịch vụ công có chất lượng và đáp ứng giới, bao gồm cả trẻ em và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng các kỹ năng kỹ thuật số.

Bà Phạm Thị Hồng Nhu, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: hiện nay, việc sử dụng mạng internet ngày càng phổ biến và học sinh lên mạng thể hiện “cái tôi” nhiều nếu chưa được giáo dục. Vì vậy, việc ứng dụng chương trình học tin học triển khai ở các trường THCS giúp học sinh nâng cao kỹ năng kiến thức sử dụng internet, nhất là giúp học sinh được học trực tuyến giao tiếp và ứng xử hiệu quả trên mạng hơn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, phụ huynh học sinh Trường Mẫu giáo - Tiểu học - THCS Võ Thị Sáu bộc bạch: tôi rất lo lắng khi con mình bắt đầu đến tuổi tham gia mạng xã hội, trong khi bản thân tôi còn lúng túng, còn con chưa được trang bị kỹ năng khi tham gia và sử dụng thông tin từ không gian số. Mặt khác, gia đình tôi ít có điều kiện theo sát con mọi nơi và không thể liên tục cập nhật ngay những xu hướng mới, do đó khó đồng hành cùng con sử dụng mạng xã hội an toàn. Tôi cũng rất tò mò về chương trình đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân mà dự án giới thiệu. Tôi rất vui và mong chờ được học cùng con mình khi cháu được tham gia dự án này.

Hiện thành phố Trà Vinh có 30 Trường THCS được học trực tiếp trên máy tính, tìm hiểu cách tham gia an toàn và hiệu quả vào không gian số. Đặc biệt, học sinh sẽ được học cách quản lý tài chính cá nhân, đồng thời có kỹ năng đầy đủ để trở thành công dân có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả khi sử dụng không gian số.

Giáo viên Lê Thị Mộng Tuyền giảng dạy môn Tin học của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 8, thành phố Trà Vinh cho biết: thực trạng của trường hiện nay có đông học sinh dân tộc Khmer chiếm trên 50%. Phần lớn kinh tế của gia đình học sinh còn khó khăn, phụ huynh còn làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà. Mặt khác, điều kiện máy tính và đường truyền mạng tại trường còn hạn chế, học sinh ít có cơ hội tiếp cận các chương trình. Vì thế, mong thành phố tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh có điều kiện học tập và tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả hơn.

Giáo viên Nguyễn Văn Yên giảng dạy môn Tin học Trường Mẫu giáo - Tiểu học - THCS Võ Thị Sáu, xã Long Đức cho biết: do trường nằm bên cù lao Long Trị nên đường truyền internet và sử dụng mạng phục vụ giảng dạy tại trường còn hạn chế. Số lượng máy tính trong trường ít, học sinh tiếp cận còn hạn chế. Là đơn vị hưởng lợi từ Dự án “Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông cho thanh, thiếu niên”, nên trường rất mong được tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất để việc thực hiện mở rộng dự án đạt hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Nhi, thực hiện Quyết định số 190/QĐ-UBND, ngày 16/02/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt tiếp nhận Dự án “Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông cho thanh, thiếu niên thành phố Trà Vinh”, hợp phần thực hiện tại thành phố Trà Vinh được triển khai với mong muốn học sinh, thanh, thiếu niên có kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường số an toàn và hiệu quả. Dự án thực hiện trên 05 Trường THCS gồm: THCS Trần Quốc Tuấn, THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Minh Trí, THCS Trần Phú, THCS Võ Thị Sáu.

Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên tham gia dự án có kỹ năng xử lý văn bản và phòng, chống bắt nạt trên mạng. Qua đó, giúp thanh thiếu niên được nâng cao kỹ năng tham gia môi trường kỹ thuật số an toàn; phụ huynh, người giám hộ được trang bị kiến thức và công cụ để hướng dẫn con tham gia các hoạt động trực tuyến an toàn và lành mạnh; hợp tác giữa các bên được tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên phát triển các kỹ năng số.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/giai-phap-thuc-day-giang-day-va-thuc-hanh-cac-ky-nang-so-36594.html