Giải pháp nào cho cư dân vùng phân lũ?
Gần 10 ngày qua, hàng nghìn người dân sinh sống tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 2. Đây là lần thứ 3 sau các năm 2008, 2018, vùng cư dân ven sông Bùi, sông Tích phải chịu cảnh ngập lụt lịch sử. Cần giải pháp căn cơ cho cư dân vùng được coi là rốn lũ của Hà Nội, chịu những thiệt hại từ lũ lụt mà nguyên nhân có thể không phải chỉ vì lượng mưa cục bộ quá lớn.
Điều đáng nói là đã có vài ngày các địa phương này không có mưa lớn, nhưng mực nước các sông Bùi, sông Tích, sông Đáy vùng cư dân các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất vẫn vượt mức báo động cấp III, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Theo một thông tin lý giải từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nước sông Tích chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), hợp lưu với sông Bùi từ Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chảy về tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ), sau đó nhập vào sông Ðáy tại ngã ba Ba Thá (huyện Chương Mỹ), chảy theo sông Ðáy xuôi về địa bàn tỉnh Hà Nam. Ðối với những trận mưa nhỏ, cục bộ, nước sông tự chảy dựa vào điều kiện địa hình từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, khi có mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng, lũ rừng ngang dồn về các sông của Hà Nội trong thời gian ngắn, trong khi mực nước đệm trên các sông đều ở mức cao thì việc tiêu thoát sẽ rất chậm, gây ngập úng kéo dài. Khu vực bị ngập lụt sẽ càng nguy hiểm hơn nếu lũ rừng ngang tiếp tục tràn về.
Phải nói rằng, thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến khu vực chậm lũ của thành phố, nơi thường xuyên bị ngập lụt, như đầu tư nâng cấp hệ thống đê tả Bùi, đê hữu Ðáy; các trạm bơm tiêu úng công suất lớn; cơ sở hạ tầng, đường giao thông, lắp đặt mạng lưới nước sạch… giúp người dân sống chung với lũ.
Cũng như dư luận ghi nhận sự tích cực ứng phó với lũ của Hà Nội trong những ngày qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trong chuyến thị sát tới tận vùng rốn lũ đã khẳng định quan điểm phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, nếu cần thiết có thể sơ tán người dân đến nơi ở an toàn. Trên cơ sở thị sát tình hình, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng vùng ngập lụt có thể phải kéo dài, nước chưa rút ngay hết được. Vì thế yêu cầu bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống. Về lâu dài, phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long sau chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và động viên người dân vùng lũ tại huyện Chương Mỹ cũng dự báo tình trạng ngập chưa thể cải thiện ngay, vì thế yêu cầu tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ, kịp thời, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát, bùng phát dịch bệnh.
Đó là những giải pháp đáng làm trước mắt được chỉ đạo sâu sát, kịp thời.
Rất đáng quan tâm là chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bí thư Thành ủy Hà Nội về một giải pháp căn cơ lâu dài. Đối với những khu dân cư bị ngập lụt sâu, nhất là ở khu vực ngoài đê cần căn cứ vào quy hoạch khu dân cư nông thôn để xem xét, di dời người dân đến nơi ở mới.
Đáng nói là, việc tính đến phương án ổn định lâu dài cho người dân vùng chậm lũ của Hà Nội đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Trong các nguyên nhân của lũ lụt của vùng đất này có nguyên nhân từ lượng mưa quá lớn, nhưng còn có những nguyên nhân nào khác đã được các nhà chuyên môn chỉ ra như do lũ rừng ngang từ mạn Hòa Bình đổ về, từ việc mở cửa xả đáy của các hồ thủy điện và từ việc dòng chảy của các con sông Bùi, sông Tích, sông Đáy không được khơi thông...?
Theo ý kiến một số chuyên gia, cần những đánh giá căn cơ và tìm ra các giải pháp lâu dài, như quy hoạch lại khu vực dân cư, như tính toán một cách khoa học về dòng chảy để nâng cao khả năng tiêu thoát của các sông, như vấn đề đê chống lũ… Nếu vẫn bắt buộc phải có một vùng phân lũ ở khu vực này thì phải có chính sách di dời dân khỏi vùng ngập lụt, tính toán lại việc sản xuất nông nghiệp hai bên bờ sông. Thậm chí, cư dân của vùng chậm lũ cần được hưởng những chính sách ưu tiên thỏa đáng về sinh sống và sản xuất một cách căn cơ, ví dụ chỉ sản xuất một vụ, nhà cửa được xây cao, thay vì chỉ cứu trợ tức thời mỗi mùa lũ lụt.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trong chuyến thị sát vừa qua có đề cập đến câu chuyện quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm dọc hành lang sông ảnh hưởng đến việc khơi thông dòng chảy ngay khi phát sinh, tránh tình trạng phạt cho tồn tại. Đây cũng là vấn đề đã tồn tại, trong khi cần tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam để nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất.
Sống chung với lũ không phải chỉ là một cách nói, sống chung với lũ phải bằng các giải pháp cụ thể. Ví như, trong số các giải pháp lâu dài cũng có thể tính đến giải pháp đầu tư về hạ tầng, công trình đối với khu vực dân cư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhằm tăng sinh kế, nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân tiếp tục sống chung với lũ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-phap-nao-cho-cu-dan-vung-phan-lu-10287025.html