Giải ngân đầu tư công chạy đua với thời gian và bài toán chống lãng phí

Chỉ còn hơn 1 tháng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong khi nguồn lực cần phải giải ngân rất lớn, buộc các bộ, ngành, địa phương phải chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, việc giải ngân cần gắn liền với hiệu quả sử dụng vốn, chống lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg ngày 7/11, nhấn mạnh yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân và đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức hoặc cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm, làm chậm trễ tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Quyết liệt các giải pháp

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 31/10, ước giải ngân đạt hơn 355.616 tỷ đồng, tương đương 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cách khá xa mục tiêu 95% năm 2024. Thời gian đã rất cấp bách khi chỉ còn khoảng hơn 30 ngày nữa là hết năm 2024, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân khiêm tốn.

Các địa phương tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Các địa phương tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Trong bối cảnh đó, các địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn. Đơn cử, Quảng Ngãi nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức trung bình của cả nước. Dù công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được chú trọng ngay từ đầu năm nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, kết quả 10 tháng vừa qua mới giải ngân khoảng 1.940 tỷ đồng (trên mức tổng 6.902 tỷ đồng), chỉ bằng 28,1% kế hoạch vốn giao. Ước đến ngày 30/11, giải ngân khoảng 2.497 tỷ đồng, bằng 36,2% kế hoạch vốn giao. Không chỉ thấp hơn mức bình quân cả nước, kết quả giải ngân còn thấp hơn mức cùng kỳ năm 2023 của chính địa phương là 49,3%.

Theo lý giải, việc giải ngân vốn đầu tư tại Quảng Ngãi còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất… Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan chưa quyết liệt, chưa mạnh dạn tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Quảng Ngãi mà là khó khăn chung của nhiều địa phương, khiến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước bị kéo tụt.

Còn tại TP. HCM, hiện có khoảng 54 dự án có vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch khi giải ngân vốn đầu tư công. Theo Kiến trúc sư Trương Anh Tuấn, Phó phòng Quản lý quy hoạch khu vực 2, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thành phố đã chia 54 dự án thành 3 nhóm để đề ra các giải pháp tháo gỡ. Thành phố đã xác định những vướng mắc của nhóm 1 và 2 có thể được giải quyết xong vào cuối năm nay. Với nhóm 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh bằng cách bổ sung vốn từ các dự án khác bù đắp phần chậm của các dự án trong nhóm này, đáp ứng chỉ tiêu vốn đề ra.

"Giải ngân là một thách thức lớn. Mục tiêu của Ban giao thông là giải ngân được 95% tổng vốn được giao vào cuối năm nay. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chi tiết cho từng gói thầu, từng dự án, từng ngày, từng tuần cũng như nêu ra 100 đầu việc với 8 địa phương, 10 sở ngành. Ban chỉ đạo thành phố cũng đôn đốc kiểm tra hỗ trợ hàng tuần để đảm bảo tiến độ này", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho hay.

Với Thái Nguyên, để hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công năm nay, ngày 15/11 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành văn bản về việc cam kết giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ giải ngân vốn các dự án. Sở Nội vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ theo dõi kết quả, xác định đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm của người đứng đầu và các tập thể, cá nhân liên quan…

Đừng quên “rót” đúng chỗ

Tăng tốc giải ngân đầu tư công là một trong 3 động lực quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm. Tuy nhiên, việc giải ngân cần gắn liền với hiệu quả, chống lãng phí.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công với những quy định mới, tiến bộ, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, trong đó đề cập đến việc lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, bao gồm có giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ giải ngân chậm gây lãng phí, theo đánh giá, đối với đầu tư công, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều công đoạn, dưới các hình thức khác nhau. Trong khâu lập và thẩm định dự án, nhiều dự án được lập với quy mô đầu tư lớn, vượt quá nhu cầu thực tế, hoặc chưa tính toán kỹ đến hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong quá trình thi công, tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian thi công, sử dụng vật tư kém chất lượng,... vẫn còn xảy ra ở một số dự án. Hay sau đầu tư, nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành không được khai thác, sử dụng hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa cũng chính là chống lãng phí. Theo Tổng Bí Thư, cần nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.

Các cấp, các ngành cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/giai-ngan-dau-tu-cong-chay-dua-voi-thoi-gian-va-bai-toan-chong-lang-phi-1103734.html