Giải 'bài toán' tăng trưởng sau sáp nhập
Từ quý III/2025 trở đi, các địa phương chính thức vận hành theo mô hình mới: địa giới rộng hơn, dân số đông hơn, quy mô kinh tế lớn hơn. Song điều đó cũng đồng nghĩa với chỉ tiêu cao hơn, kỳ vọng lớn hơn và áp lực tăng trưởng nặng nề hơn. Tất cả đòi hỏi chiến lược phát triển tương xứng với hình hài đã thay đổi.
"Quy mô càng lớn, việc tăng 1% càng gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Thống kê TP HCM nói tại hội nghị kinh tế xã hội sáng 4/7 - cuộc họp đầu tiên của chính quyền thành phố sau khi TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hợp nhất.
Khi mục tiêu cũ không còn vừa với hình hài mới
Phân tích chỉ tiêu tăng trưởng của TP HCM mới, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho hay, theo chỉ tiêu Chính phủ giao các địa phương trước sáp nhập, TP HCM (cũ) tăng 8,5%, Bình Dương tăng 10% và Bà Rịa - Vũng Tàu (không tính dầu thô) tăng 10%. Bình quân 3 địa phương gộp lại là 8,92%. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, con số này mới đạt 6,56%. Để đạt con số Thủ tướng giao, GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng 10,25%.

Sau sáp nhập, các địa phương có những cơ hội lớn để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường liên kết vùng nhưng đan xen với đó là một số thách thức.
Theo tính toán, sau sáp nhập, mỗi 1% GRDP tăng thêm của TP HCM mới tương đương hơn 17.200 tỷ đồng. Con số này là thách thức rất lớn.
Số liệu của Cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 7,52% - mức cao nhất kể từ 2011. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, nền kinh tế cần tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Nhiệm vụ này đặt lên vai 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập - những đơn vị đang phải thích nghi đồng thời với mô hình tổ chức mới và bài toán tăng trưởng mới, khi “mẫu số” đã tăng nhưng “tử số” thì không dễ tăng tương ứng.
Tại Gia Lai, sau sáp nhập với một phần tỉnh Bình Định, quy mô địa phương được mở rộng đáng kể, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thẳng thắn nhìn nhận, địa phương còn đối mặt với nhiều thách thức lớn: Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông liên kết vùng, hạ tầng thủy lợi, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ. Đặc biệt, sự khác biệt về trình độ phát triển, cơ chế quản lý, thói quen hành chính giữa hai địa phương trước đây có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.
"Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, các dự án động lực. Hệ thống Quy hoạch còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông; Tầm nhìn, giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển sau hợp nhất chưa được làm rõ…”, ông Dũng chỉ ra.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường về kinh tế, địa chính trị và khí hậu, năng lực điều hành của bộ máy mới sau sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp đứng trước những cơ hội và thách thức song hành, chưa từng có.
Không còn “anh - tôi”, chỉ còn mục tiêu chung
“Tất cả đã về chung nhà, đừng phân biệt anh - tôi mà cần xóa bỏ ranh hành chính tồn tại trong đầu để phát triển”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh tại cuộc họp đầu tiên của chính quyền sau sáp nhập.
Suy nghĩ này đang được chuyển hóa thành hành động cụ thể. Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM được giao tham mưu kịch bản tăng trưởng theo từng quý, gắn trách nhiệm đến từng sở ngành.
Tương tự, tại Gia Lai, toàn bộ 135 xã, phường trên địa bàn, trong đó 58 xã, phường (mới) thuộc địa bàn tỉnh Bình Định trước đây đã có kịch bản tăng trưởng rõ ràng, với tiến độ triển khai theo từng quý, từng tháng.
Công việc trước mắt không chỉ là các con số. Đó còn là việc tháo gỡ các điểm nghẽn, với trọng tâm là rà soát toàn bộ bộ máy cấp xã sau hợp nhất; bổ nhiệm lại lãnh đạo, bố trí trụ sở phù hợp, đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác công nghiệp, kinh doanh và hành chính…
Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% trở lên.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống Tài khoản quốc gia, Cục Thống kê, nền kinh tế cần tăng trưởng 8,42% trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu này (quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%).
"Để hiện thực hóa mục tiêu 8%, chặng đường cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng. Cụ thể, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng nhất. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia", bà Hạnh cho biết.
Các dư địa tăng trưởng tiếp theo là khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, mô hình chính quyền hai cấp mở ra nhiều cơ hội cải cách thể chế, rút gọn tầng nấc trung gian và thúc đẩy tốc độ điều hành chính sách kinh tế. Nếu biết tận dụng thời điểm này để cơ cấu lại hướng đến tăng trưởng bền vững, bao trùm thì những tỉnh, thành “mới” hoàn toàn có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của cả nước.
Thời gian từ nay đến cuối năm là phép thử với tư duy điều hành trong cấu trúc hành chính thay đổi. Cơ hội và trách nhiệm đã được phân rõ. Vấn đề còn lại là: hành động ra sao, ai đi đầu, ai bứt tốc - và ai sẽ trở thành đầu tàu của giai đoạn tăng trưởng tiếp theo?
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đây là thời khắc đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Lòng tin, niềm tự hào của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp được nâng lên, tạo khí thế mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Tuy vậy, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam chứng kiến cuộc cải cách hành chính quyết liệt và rộng lớn như trong mấy tháng qua. Đó là một cuộc cách mạng và đâu đó trong những con số tăng trưởng bước đầu có kết quả đáng ghi nhận. Trong nửa năm qua, tăng trưởng về dịch vụ hỗ trợ hành chính lên gần 15%. Con số này với lĩnh vực cải cách hành chính… là xưa nay hiếm.
TS. Trần Văn, ĐBQH Khóa XII, XIII
Trước khi sáp nhập, các địa phương đều có quy hoạch riêng của mình, đặt ra yêu cầu điều chỉnh, tích hợp quy hoạch trong không gian mới. Việc thay đổi chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển phải theo nguyên tắc, quy trình cụ thể, tạo điều kiện phát triển phù hợp thực tế, tránh mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến tăng trưởng và thu hút đầu tư.