Giải áp lực tâm lý cho vận động viên
Thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 một phần đến từ tâm lý thi đấu không vững của một số vận động viên ở thời điểm then chốt.
Mặc dù đánh giá rất cao tài năng của Trịnh Thu Vinh nhưng bà Nguyễn Thị Nhung, cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng Việt Nam cho rằng, ở chung kết 10m súng ngắn hơi nữ Olympic Paris 2024, áp lực tâm lý đã khiến xạ thủ quê Thanh Hóa khó làm chủ bản thân và để xảy ra sai sót. “Sau khi vượt qua người đứng thứ 5, có lẽ Trịnh Thu Vinh rơi vào trạng thái rất muốn có huy chương, dẫn đến khó làm chủ kỹ thuật”, bà Nguyễn Thị Nhung nhận định.
Áp lực tâm lý mà Trịnh Thu Vinh gặp phải cũng là những gì mà cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã trải qua. Trước khi giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và phá 1 kỷ lục Olympic, Hoàng Xuân Vinh từng gây thất vọng ở đấu trường Olympic, Asian Games do không làm chủ được tâm lý. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Hoàng Xuân Vinh, hiện là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng Quân đội cho rằng: “Khi tới Olympic, nhiều người sẽ bị choáng ngợp bởi quy mô cũng như gặp được những vận động viên hàng đầu thế giới, từ đó sinh ra tâm lý lo lắng. Khi quá lo lắng, toan tính nhiều thứ sẽ khiến bản thân bị ức chế, dẫn tới ảnh hưởng về kỹ năng, thao tác khi thi đấu”.
Tại Olympic Paris 2024, đô cử Trịnh Văn Vinh là người gây thất vọng nhiều nhất ở hạng dưới 61kg nam môn cử tạ. Nếu như hoàn thành mức tạ 300kg như lúc tập luyện, Trịnh Văn Vinh có lẽ đã giúp Đoàn thể thao Việt Nam giành huy chương (người giành huy chương đồng ở nội dung này là đô cử Morris của Mỹ khi đạt tổng cử 298kg). Với việc không làm chủ được tâm lý, Trịnh Văn Vinh đã thất bại ở cả 3 lần cử giật với mức 128kg và phải dừng cuộc chơi khi không được tham dự nội dung cử đẩy. Không chỉ Trịnh Thu Vinh, Trịnh Văn Vinh, một số vận động viên khác của thể thao Việt Nam đều không vượt qua được áp lực tâm lý tại Olympic Paris 2024. Dù có nhiều pha cầu ấn tượng nhưng tâm lý không vững khiến Nguyễn Thùy Linh thua nuối tiếc Beiwen Zhang (Mỹ) 0-2 ở vòng bảng nội dung đơn nữ cầu lông.
Nếu như Trịnh Thu Vinh, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thùy Linh... có sự đồng hành của những chuyên gia tâm lý thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Không khó nhận ra ở các đoàn thể thao lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản... ngoài các huấn luyện viên chuyên môn, họ luôn có những chuyên gia tâm lý theo sát các vận động viên.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, ở những nền thể thao tiên tiến trên thế giới, việc có các chuyên gia tâm lý và đề cao huấn luyện tâm lý cho vận động viên không còn xa lạ. Đáng tiếc, vấn đề này ở Việt Nam vẫn đang bị xem nhẹ, một phần là do hạn hẹp về kinh phí. Trong các đội tuyển quốc gia, nhiều huấn luyện viên cũng kiêm luôn vai trò chăm sóc tinh thần cho vận động viên. Bởi vậy, nếu muốn thể thao Việt Nam vươn tầm, đạt thành tích cao và ổn định ở các đấu trường quốc tế, chúng ta nên quan tâm, đầu tư, từng bước xây dựng một đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tâm lý thể thao nhằm có những liệu pháp tâm lý để các vận động viên vững vàng hơn trong những trận đấu căng thẳng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/giai-ap-luc-tam-ly-cho-van-dong-vien-789509