Giá xăng vẫn ở ngưỡng rất cao, doanh nghiệp loay hoay tìm cách cầm cự
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước vẫn leo ở mức rất cao, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để tìm ra bài toán cân bằng thu - chi, để tránh phải thua lỗ, cố gắng duy trì, cầm cự mong cho cơn 'ác mộng' này mau chóng đi qua.
Kể từ đầu năm tới nay, việc giá xăng liên tục tăng đã khiến quá trình phục hồi của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Đà tăng của xăng dầu tạm thời “cắt cơn”
Sau 6 phiên tăng giá liên tục, thì trong phiên điều chỉnh mới nhất (21/3), giá xăng dầu đã tạm thời hạ nhiệt, khi giảm 700 - 1.600 đồng/lít, tùy thuộc vào sản phẩm.
Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm còn 28.330 đồng/lít. Xăng RON 95 cũng giảm xuống còn 29.192 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm còn 23.633 đồng/lít; dầu hỏa giảm còn 22.245 đồng/lít. Dầu mazut giảm còn 20.423 đồng/kg.
Mặc dù, trong kỳ điều chỉnh này, đà “tăng” của xăng dầu đã tạm thời “cắt cơn”, thế nhưng, so với mặt bằng giá cả của các năm trước, mức giá này vẫn còn ở ngưỡng rất cao. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2014.
Nếu so với thời điểm cuối năm 2021, giá xăng, dầu trong nước đã tăng 22% - 30%. Còn nếu so với thời điểm tháng 3/2021, giá xăng đã tăng 32% - 38%. Tuy nhiên, hiện nay, khi chiến sự tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam vẫn tiếp tục có tình trạng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất. Điều này có thể khiến giá xăng dầu trong nước có thể bật tăng bất kỳ lúc nào.
Mong cho cơn “ác mộng” giá xăng tăng mau đi qua
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước vẫn leo ở mức rất cao, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để tìm ra bài toán cân bằng thu - chi, để tránh phải thua lỗ, cố gắng duy trì, cầm cự mong cho cơn “ác mộng” này mau chóng đi qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Xuân Thả - Giám đốc Công ty TNHH khai thác khoáng sản Thanh Sơn chia sẻ: Mặc dù trong kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng trong nước đã hạ nhiệt. Thế nhưng, mỗi lít xăng hiện nay vẫn đang ở mức rất cao, gây ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều xăng dầu.
Ông Thả phân tích: Giá xăng tăng, đồng nghĩa với việc hàng loạt chi phí khác tăng theo. Đơn cử, chi phí vận chuyển đã tăng 20% so với năm ngoái, chi phí bảo dưỡng máy móc, nhân công cũng tăng tương ứng.
“So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng đã tăng gần 40%, tuy nhiên sản phẩm của chúng tôi khi bán cho các đối tác “chỉ dám” tăng 10%. Bởi nếu tăng quá cao, chúng tôi lo ngại không giữ được chân khách hàng. Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh giá xăng đang ở ngưỡng cao, doanh nghiệp phải tự tìm ra giải pháp để tự cứu lấy bản thân”, ông Thả nói.
Trong đó, giải pháp tạm thời hiện nay là giảm công suất hoạt động, cắt giảm công nhân. Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp này dành rất nhiều thời gian để thương thảo việc điều chỉnh giá bán sản phẩm, để đôi bên đều thoải mái.
“Ngay cả các đối tác, khách hàng nhập nguyên liệu của chúng tôi về chế biến, sản xuất thành phẩm cũng phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm công suất để chờ giá xăng hạ nhiệt. Do đó, áp lực của chúng tôi tuy lớn, nhưng vẫn kiểm soát được”, ông Thả chia sẻ.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng chia sẻ: Vận tải là ngành nghề sử dụng nhiều xăng, dầu nhất. Vì vậy, mỗi khi giá xăng tăng giá, các doanh nghiệp vận tải lại “ngồi trên đống lửa”, nghĩ ra đủ phương án để tránh lỗ.
“Chúng tôi đã trải qua 2 năm cực kỳ khó khăn vì đại dịch COVID-19, khi vừa hoạt động trở lại, thì lại phải gặp cảnh giá xăng tăng chóng mặt. Dù vậy, khi đề xuất tăng giá cước vận tải lại không được đồng ý. Rõ ràng, không có ngành nghề nào khó khăn hơn ngành vận tải khi giá xăng tăng”, vị này cho biết.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, doanh nghiệp này chỉ còn cách cắt giảm các chi phí không cần thiết để tiết kiệm chi phí, bù vào giá xăng. Trong đó, điều lãnh đạo doanh nghiệp này cảm thấy khó khăn nhất, chính là việc phải cắt giảm nhân sự, bao gồm lái xe và phụ xe.
Đồng thời, trong khoảng thời gian vắng khách, doanh nghiệp này chấp nhận chuyển công năng từ xe vận chuyển khách sang vận chuyển hàng hóa, hoặc kết hợp cả vận chuyển hàng và hành khách.
“Việc cắt giảm nhân sự là điều chúng tôi không bao giờ mong muốn, thế nhưng, tại thời điểm này, chi phí trả lương cho nhân viên đang là gánh nặng cho doanh nghiệp chúng tôi. Vì vậy, chỉ còn phương án tạm thời cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp mới có thể không bị “đắm”” - Giám đốc doanh nghiệp vận tải chia sẻ.
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Trong bối cảnh giá xăng leo cao như hiện nay, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại để cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không cần thiết giúp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, dòng tiền không bị dàn trải, nên tiền đầu tư cũng sẽ ít hơn. Đây chính là giải pháp cân đối giữa dòng tiền đầu tư và hàng hóa.
“Hàng hóa sản xuất nhiều hơn, tiền đầu tư ít hơn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không phải chịu sức ép quá nhiều do giá xăng dầu tăng”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Cũng theo ý kiến chuyên gia, thời điểm này đang là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để đứng vững được trong thương trường đang có nhiều biến động không lường trước được.
Mong chờ vào các chính sách mạnh tay để “kìm cương” xăng dầu
Trước hiện tượng xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế cũng như giáng một đòn mạnh vào sức chịu đựng của doanh nghiệp, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp “kìm cương” xăng dầu.
Trong đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã liên tục chi quỹ bình ổn xăng dầu, nhằm không để cho giá xăng dầu tăng quá cao. Tuy nhiên, điều này đã khiến quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị âm.
Cụ thể, theo thông báo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính tới trước thời điểm trước ngày 21/3, quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex đang âm 470 tỷ đồng.
Do quỹ bình ổn đang cạn kiệt, nên chính sách được rất nhiều doanh nghiệp mong chờ nhất, chính là việc Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, các mặt hàng xăng sẽ được giảm 2.000 đồng/lít, và các mặt hàng dầu được giảm 1.000 đồng/lít.
Hiện tại, đề xuất của Chính phủ đang chờ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, dự kiến việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường sẽ được áp dụng từ 1/4.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt trong công tác điều hành giá, quản lý thị trường, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu đến nền kinh tế.