Giá xăng cao, nhân viên y tế tại Anh giả ốm để không phải đi làm
Tổ chức công đoàn lớn nhất tại Anh cho biết, giá xăng tăng cao trong thời gian vừa qua là nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế và điều dưỡng giả ốm để không phải di chuyển tới nơi làm việc.
Theo Guardian, tổ chức công đoàn lớn nhất tại Vương quốc Anh - Unison đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhân viên y tế và điều dưỡng liên tục giả vờ xin nghỉ phép vì ốm, trong khi nguyên nhân thực sự là họ không muốn di chuyển tới nơi làm việc vì giá xăng đã tăng quá cao.
Công ty dữ liệu Experian Catalist cho biết, giá xăng trung bình hiện tại ở Anh đã đạt mức kỷ lục là 1,82 Bảng/lít (52.000 đồng/lít). Như vậy, để đổ đầy bình cho một chiếc xe ô tô thông thường, người dân Anh phải trả trung bình 100,27 Bảng (2.900.000 đồng).
"Giá xăng tăng gây ra tác động lớn với những người phải thường xuyên di chuyển bằng phương tiện cá nhân vì tính chất công việc của họ. Vì vậy, các nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên điều dưỡng, nhân viên dịch vụ xã hội,... đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục công việc của mình.
Đáng nói hơn, chúng tôi đang nhận thấy số lượng nhân viên y tế gọi điện giả ốm để xin nghỉ chỉ vì họ không có khả năng đổ xăng cho phương tiện của mình. Ngày càng có nhiều nhân viên y tế cộng đồng bỏ việc của mình, ngay cả các bệnh viện nhà nước cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Không khó để thấy rất nhiều thông tin tuyển dụng từ các cơ sở y tế nhà nước trong thời gian gần đây", Christina McAnea - Tổng Thư ký Unison cho biết.
Giá xăng kỷ lục tại Anh khiến nhiều nhân viên y tế giả ốm. Ảnh: Guardian
Nếu tình trạng lạm phát và giá xăng dầu tại Anh không được kiểm soát, viễn cảnh hàng nghìn người tổ chức những cuộc đình công là không thể tránh khỏi. Theo Unison, nếu Chính phủ Anh điều chỉnh tăng mức lương 2-3% nhưng lạm phát ở mức 10% thì những nhân viên y tế và điều dưỡng không thể chi trả nổi chi phí sinh hoạt và buộc phải tìm một công việc khác, điều này gây ảnh hưởng tới toàn xã hội vì thiếu hụt nhân lực ngành y tế là một vấn đề nghiêm trọng.
Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra những cam kết để biến Vương quốc Anh thành "một nền kinh tế trả lương cao", nhưng ông cũng cảnh báo rằng việc tăng lương tương ứng với mức lạm phát có thể dẫn tới tình trạng “vòng xoáy giá cả tiền lương” như những năm 1970.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Y tế Anh được cho là sẽ công bố một loạt các thỏa thuận trả lương mới cho nhân viên y tế, bao gồm cả các y tá. Nhưng với tình trạng lạm phát không suy giảm và mức độ tăng trưởng kinh tế đình trệ, việc đổ đầy bình xăng của các nhân viên chăm sóc sức khỏe tại Anh vẫn sẽ là một thách thức.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo tăng trưởng của Anh sẽ bị chững lại vào năm 2023, trở thành nước có mức độ tăng trưởng thấp nhất ngoài Nga, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.