Giá trị của vật chất

Nói như thế nghe có vẻ nực cười. Vật chất mà không có giá trị thì thứ gì mới đáng giá đây? Nhưng, đúng là để biến tiền bạc, của cải thành một giá trị sống thì lại không đơn giản. Một khảo sát của trang Porch.com (Mỹ) cho thấy: '74.950 USD có thể giúp Gen Z 'mua' hạnh phúc, nhưng không thể mua nhà' - có nghĩa là 'tỉ giá' giữa giá trị và vật chất và tinh thần không phải lúc nào cũng trở nên tương xứng.

Phải chăng, cần một nhận thức đúng đắn, một cách thức biểu đạt như người xưa đã nói: “Của cho không bằng cách cho”. Hãy thử điểm lại những câu chuyện mà vật chất có thể đạt đến giá trị sống.

Khi vật chất làm thay đổi bảng giá trị

Bọn trẻ con nhà tôi bây giờ dị ứng với mùi mắm tôm, măng chua và cương quyết chỉ ăn bát phở không có hành. Cũng như có một thời, mấy chị em tôi được người lớn dạy bảo là “phải” dị ứng với... cái đẹp. Vì thế mà lên lớp cứ hễ thấy đứa nào mặc áo đẹp, tóc để kiểu cách một tí là thì thầm với nhau dự đoán sau này nó sẽ hư hỏng, là đồ ăn hại vì vô hình trung nó đã “làm rầu nồi canh” nhân cách, đạo đức của số đông...

Nhìn rộng ra, càng thấy thấm thía tác hại mà những kẻ chơi trội đã tạo ra: Đó là sự kích thích đua đòi, khiến nhiều người bị cuốn theo, đánh đổi lấy cuộc sống “ăn trắng, mặc trơn” bằng mọi giá. Từng có những chàng trai học khá giỏi, ngoan ngoãn nhưng đã ném mình vào cuộc tìm kiếm giàu sang rồi tàn tạ ở bãi vàng, bãi gỗ. Không ít cô gái nông thôn bỏ ruộng nương xuống thành phố chấp nhận làm tiếp viên quán bia, nhân viên quán mas_sage... để không còn phải chân lấm tay bùn. Người ta không ngại sử dụng hóa chất độc hại, chế thuốc giả để trục lợi từ niềm tin của người khác, bất chấp số người mắc bệnh nan y đang tăng lên...

Thực đơn mâm cỗ đám cưới giá tới 17 triệu đồng.

Thực đơn mâm cỗ đám cưới giá tới 17 triệu đồng.

Vấn nạn này nhức nhối đến mức có những thời điểm tình trạng đó xuất hiện đầy rẫy trên báo chí, sáng tác văn học, sân khấu... coi đó là mặt trái của cơ chế thị trường. Từ đó, nhiều người coi đồng tiền là thủ phạm của sự xuống cấp đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, coi sự phát triển của kinh tế là nguyên nhân hủy hoại văn hóa. Giá trị kinh tế từng được hiểu là sự trả giá cho ô nhiễm môi trường sống, tàn phá cảnh quan, suy thoái văn hóa.

Như thế có nghĩa là trong nền kinh tế thị trường, mọi giá trị sống bị tác động bởi quy luật cạnh tranh thì giá trị vật chất và tinh thần đã tách rời. Ngoài giá trị sử dụng, trao đổi đem lại chênh lệch, vật chất không chứa đựng bất kì giá trị nào đáng lưu tâm?

Đã có những giá trị tạo ra từ vật chất

Từ ví dụ cụ thể nhất để thấy con người hôm nay còn gửi gắm điều gì thuộc về tình cảm, tinh thần trong các chi phí của đời sống hay không.

Ít ngày qua, dư luận nhắc nhiều về một đám cưới ở tại Bắc Ninh với những mâm cỗ giá trị lên đến 17 triệu/mâm (chưa kể phụ phí). Cụ thể menu của mâm cỗ cưới gồm: Salad rau xanh, bào ngư xốt xì dầu, cua hoàng đế hấp, cá hồi áp chảo, trâu chao vừng, gà hấp lá chanh, xôi lệ mật, canh bóng cổ truyền, cơm chiên, chè sương sa hạt lựu. Ngoài ra, cô dâu được rước về nhà chồng bằng BMW mui trần, khách đến dự đám cưới còn được rút thăm trúng thưởng, giải nhất xe máy SH, giải nhì xe Vision, giải ba 10 triệu đồng... Được biết, đám cưới không phân biệt khách mời, không tạo áp lực về tiền mừng cưới. Việc chi phí này đơn thuần chỉ thể hiện khả năng kinh tế và sự trân trọng của gia chủ với ngày quan trọng nhất trong đời của con em mình. Xem ra, không phải lúc nào sang chảnh cũng đồng nghĩa với xa hoa, hào nhoáng mà đi vào thực chất, nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Thử đặt mâm cỗ này trong sự đối lập với trend "đúng nhận, sai cãi" của một cô đồng “bổ quả cau, xem lá trầu” sẽ thấy có một nghịch lý thú vị. Cho dù, người xem qua mạng xã hội là miễn phí, sự việc không có dấu hiệu trục lợi về kinh tế nhưng suy cho cùng: Niềm tin, cảm hứng liên quan đến hiệu quả lao động, thái độ tiếp cận cuộc sống của từng người sau khi đón nhận thông tin bói toán ấy cũng là một giá trị. Vậy ở đây không còn là chuyện giữa free (miễn phí) và 17 triệu đồng mà ở giá trị mà nó tạo nên. Nhà văn được mệnh danh là "Nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie từng nói: “Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc?”. Nếu vật chất được đặt đúng vị trí, được sử dụng đúng mục địch nó vẫn tạo ra giá trị tích cực và ngược lại, những chi phi ở mức cực thấp vẫn gây ra những lãng phí, tiêu cực.

Liệu người âm có nhận được khi ta đốt vàng mã?

Liệu người âm có nhận được khi ta đốt vàng mã?

Lâu nay, có nhiều người sẽ cho rằng chỉ có lợi ích kinh tế mới là mục tiêu cơ bản nhất bởi từ lợi nhuận sẽ đem lại hạnh phúc cho mỗi người. Cũng vẫn là một tin mới nóng, chúng ta hay xem việc người dân ồ ạt phá cà phê và hồ tiêu để trồng sầu riêng đang cảnh báo điều gì? Từ các vựa “vàng đen” hồ tiêu ở Đắk Lắk đến Gia Lai đang bị nhiều người nông dân phá bỏ để trồng sầu riêng. Điều này cho thấy tư duy "chặt - trồng" theo thị trường, tiềm ẩn những nguy cơ đáng lo ngại về sự biến động về đầu ra, về biến động của nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Vậy thì giá trị của những dự báo, của những hoạnh định chiến lược mang tính mũi nhọn nằm ở đâu hay chỉ dựa trên hiệu ứng tức thời của thị trường, dựa trên suy luận đơn giản của người trồng trọt ở từng vùng. Đó là giá trị vĩ mô, bền vững tuy rằng không được hiển thị bằng con số cụ thể...

Còn nhớ, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam từng nói rằng: “Chỉ khi vai trò người nông dân được coi trọng mới trở thành động lực phát triển”. Một nền nông nghiệp chỉ thực sự bền vững và phát triển khi đặt người nông dân vào vị trí trung tâm, họ trở thành một mục tiêu, một động lực phát triển và đương nhiên cũng là một giá trị trên mọi giá trị lợi nhuận khác trên thị trường. Giá trị của nông sản, thủy, hải sản... hay bất kì loại hình hàng hóa nào cũng phải đặt trong mối tương quan với sự an toàn, ổn định của chính người tạo ra nó hằng ngày. Điều đó không chỉ phù hợp với chiến lược “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước” của Đảng, Nhà nước mà còn tạo ra giá trị văn hóa cho thời đại.

Việc người nông dân một số nơi ồ ạt bỏ hồ tiêu, cà phê trồng sầu riêng cho thấy nguy cơ đánh mất giá trị của hoạch định, dự báo.

Việc người nông dân một số nơi ồ ạt bỏ hồ tiêu, cà phê trồng sầu riêng cho thấy nguy cơ đánh mất giá trị của hoạch định, dự báo.

Câu chuyện của giá trị không dừng ở việc đáng giá bao nhiêu mà được trân trọng như thế nào. Đòi hỏi chúng ta phải làm sao để tự thân các giá trị vật chất đã mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển, tạo ra nguồn lực chứ không thể “mất tăm” như 5.000 tỷ đồng vàng mã hằng năm của cả nước. Giá trị của vật chất không phải là mặt trái của cơ chế, của đồng tiền mà nằm ở nhận thức của mỗi người khi bạn sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào mục đích như thế nào và giá trị đạt được của nó sẽ ra sao?

Thu Trang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/gia-tri-cua-vat-chat-i686627/