Giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia 20%

Dung lượng thị trường nhỏ, cộng với tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực.

Tại hội thảo “Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/11 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp đột phá nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất, để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây, nhưng vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản; chưa tạo được sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng nay mới đạt bình quân 7-10%.

Tỷ lệ nội địa hóa cho xe tại Việt Nam mới chỉ đạt 7 - 10%.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, Phụ trách dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast cho biết, cam kết nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%- 60%. Hiện VinFast đang hợp tác với các chuyên gia, các nhà cung ứng, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển nhân lực. Tới đây, sẽ có nhiều chi tiết linh kiện được sản xuất ngay tại Hải Phòng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Còn theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Với dung lượng thị trường nhỏ, khấu hao đầu tư thiết bị lớn, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia khoảng 20%.

Do đó, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiến nghị: “Chính sách thuế liên quan đến ô tô cần giữ ổn định lâu dài và nhất quán. Về ngắn hạn chúng tôi đề xuất bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu linh kiện CKD về 0% từ năm 2018 cho cho tất cả các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa.

Đồng thời, cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn. Năm 2018, thuế nhập xe nguyên chiếc về 0% (theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN), nên cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện để hỗ trợ sản xuất trong nước, nếu không lại khuyến khích nhập xe nguyên chiếc”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Thực tế, một số doanh nghiệp FDI đã chuyển sang giảm các mẫu xe trong khi không tăng công suất. Để phát triển công nghiệp ô tô, bên cạnh chính sách thuế cần tập trung vào giải pháp để công nghiệp ô tô Việt Nam duy trì phát triển sản xuất sau năm 2018 và có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo dự báo, nhu cầu thị trường ô tô trong nước vào năm 2025 có thể lên đến 600.000 xe/năm. Nếu ngành công nghiệp ô tô đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là xe đến 9 chỗ thì năm 2025 có thể giảm 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, đến năm 2030 giảm khoảng 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới cần tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước với một số sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực.

Đồng thời, có thể áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/oto-xe-may/gia-thanh-san-xuat-o-to-o-viet-nam-cao-hon-thai-lan-indonesia-20-682199.vov