Giá Pi tiếp tục rơi tự do, chuyên gia lí giải việc Binance không niêm yết

Giá đồng tiền ảo Pi tiếp tục rơi tự do xuống mức 0,4 USD/Pi, nếu so với thời điểm cao nhất 2,99 USD, giá trị đồng tiền ảo này đã giảm hơn 84%, bên cạnh đó chuyên gia cũng lí giải việc Binance không niêm yết đồng tiền này.

Tính đến thời điểm 13h chiều 5/4, giá đồng tiền ảo Pi đang được giao dịch ở quanh mức 0,44 USD/Pi. Như vậy trong 7 ngày qua, đồng tiền ảo của dự án Pi Network liên tục giảm với mức -45,70 %, đồng thời không có dấu hiệu bật tăng trở lại. Nếu so với mức giá lúc cao nhất là 2,99 USD, giá Pi đã giảm hơn 86% ở thời điểm hiện tại.

Giá Pi đang được giao dịch quanh mức 0,4 USD/Pi. Ảnh chụp màn hình

Giá Pi đang được giao dịch quanh mức 0,4 USD/Pi. Ảnh chụp màn hình

Việc đồng Pi liên tục giảm giá, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiền mã hóa đây là điều không thể tránh khỏi, khi đồng tiền ảo này liên tục được mở khóa theo chu kỳ để đưa ra giao dịch trên thị trường. Trong tháng 3 đã có hơn 71 triệu Pi được mở khóa; theo lịch trình tháng 4 sẽ có thêm hơn 118 triệu Pi tiếp tục được bơm ra thị trường. Bên cạnh đó, đội ngũ Pi Core Team cũng không có động thái nào để kéo giá đồng tiền ảo này tăng trở lại, họ đang để giá rơi tự do.

Một nguyên nhân nữa là việc sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance đã không tiến hành niêm yết Pi sau khi lấy ý kiến cộng đồng, cũng khiến cho các nhà đầu tư không mặn mà với dự án này.

Về lý do Binance không niêm yết Pi, theo ông Nguyễn Hà Minh Thông, sáng lập quỹ Cabo Capital tại TPHCM phân tích, Pi Network đã ra mắt mainnet từ cuối 2024, nhưng nó vẫn ở trạng thái "enclosed" (kín) hoặc chỉ mở một phần. Điều này nghĩa là giao dịch Pi vẫn bị giới hạn trong hệ sinh thái nội bộ, chưa có tính thanh khoản thực sự trên thị trường mở. Binance thường yêu cầu các dự án phải có blockchain hoạt động đầy đủ, công khai và có thể kiểm chứng được để đảm bảo tính minh bạch và ổn định khi giao dịch. Với tình trạng hiện tại của Pi, sàn lớn như Binance khó có thể đánh giá chính xác mức độ phân quyền hay rủi ro kỹ thuật, khiến họ chưa vội vàng niêm yết.

Tokenomics (cơ chế kinh tế token) của Pi Network là một điểm gây tranh cãi. Tổng cung Pi được báo cáo là 100 tỷ token, nhưng lượng lưu hành thực tế (hiện khoảng 6,8 tỷ theo một số nguồn) lại không rõ ràng. Pi Core Team từng giảm nguồn cung bằng cách loại bỏ 10 triệu đơn vị token mà không giải thích cụ thể, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thao túng giá. Binance, với quy trình thẩm định nghiêm ngặt, cần dữ liệu rõ ràng về cơ chế khóa (lock), đốt (burn) và phân phối token. Sự mập mờ này khiến họ e ngại, vì niêm yết một đồng tiền ảo thiếu minh bạch có thể dẫn đến biến động giá mạnh hoặc cáo buộc sàn dung túng dự án không đáng tin.

Binance đang chịu áp lực pháp lý lớn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, với các cáo buộc về rửa tiền và vi phạm quy định tài chính. Trong bối cảnh đó, họ cực kỳ thận trọng khi chọn dự án để niêm yết, ưu tiên những dự án có tình trạng pháp lý rõ ràng. Pi Network, dù có lượng người dùng đông (hơn 65 triệu tải app), lại chưa được cơ quan quản lý nào công nhận chính thức. Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa được xem là hợp pháp, và ở Trung Quốc, Pi từng bị cảnh báo là "dự án đa cấp". Nếu niêm yết Pi mà dự án này sau đó bị gắn mác bất hợp pháp, Binance có thể đối mặt với rủi ro kiện tụng hoặc mất uy tín.

Để được niêm yết trên Binance, một coin cần chứng minh có thanh khoản tốt và hoạt động giao dịch đáng kể trên các sàn khác hoặc thị trường phi tập trung (DEX). Hiện tại, Pi chỉ giao dịch qua các kênh OTC (over-the-counter) như Telegram hoặc một số sàn nhỏ (OKX, HTX), với giá không ổn định. Binance cần một tài sản đã có "price discovery" (khám phá giá) thực sự trên thị trường mở để tránh rủi ro biến động cực đoan khi niêm yết. Pi chưa đáp ứng được tiêu chí này, vì phần lớn giá trị của nó vẫn mang tính đầu cơ dựa trên cộng đồng, chứ không phải giao dịch thực.

Pi Network bị chỉ trích vì mức độ tập trung cao – Pi Core Team kiểm soát toàn bộ các node mainnet hiện tại, trái ngược với nguyên tắc phi tập trung mà các sàn lớn như Binance thường ưu tiên (như Bitcoin hay Ethereum). Hơn nữa, đội ngũ phát triển (dẫn đầu bởi Nicolas Kokkalis) khá kín tiếng, không công khai lộ trình rõ ràng hay mã nguồn đầy đủ. Điều này làm dấy lên nghi vấn từ cộng đồng tiền mã hóa rằng, Pi có thể là lừa đảo hoặc ít nhất là dự án thiếu nghiêm túc.

Ông Thông cho rằng, trong khi cộng đồng Pi có thể tự tin rằng dự án "không cần Binance", nhưng thực tế, không có sàn lớn nào công nhận thì Pi khó thoát khỏi vòng nghi ngờ và đạt giá trị thực sự.

Tại Việt Nam, hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh giao dịch tiền mã hóa. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro khi sở hữu, mua bán và sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền mã hóa khác, nhấn mạnh rằng các giao dịch này không được pháp luật bảo vệ.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-pi-tiep-tuc-roi-tu-do-chuyen-gia-li-giai-viec-binance-khong-niem-yet-2388222.html