Giá nguyên liệu tăng cao, sản xuất công nghiệp gặp khó

Thời gian qua, giá nguyên liệu, nhiên liệu của nhiều ngành sản xuất công nghiệp tăng và giữ ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến việc sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất kính của Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long (KCN Khánh Cư).

Dây chuyền sản xuất kính của Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long (KCN Khánh Cư).

Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và các sở, ngành; sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì và giúp ổn định đời sống người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, những tác động bởi chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm đã tạo sức ép khiến nhiều doanh nghiệp phải chủ động giảm mức sản xuất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, đây là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh giảm mạnh dẫn đến chỉ số IIP lũy kế 9 tháng năm 2023 giảm 2,69% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 đạt 8.133,8 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2023 đạt 73.138,8 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 66,6% kế hoạch năm 2023.

Thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy, mặc dù một số nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón đã "hạ nhiệt" so với cùng kỳ, song những nguyên liệu phục vụ sản xuất cho ngành vật liệu xây dựng, phân bón vẫn tăng hoặc vẫn giữ ở mức giá cao, nên việc sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Đơn cử như tại Tập đoàn Vissai, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là về nguyên liệu sản xuất, nhất là giá vật tư, nguyên liệu tăng cao, ví dụ: giá than có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2023 do nguy cơ thiếu hụt than cho sản xuất trong nước. Tập đoàn có 8 dây chuyền trên cả nước, hiện đã phải dừng 4 dây chuyền sản xuất (ở các tỉnh khác) vì lý do giá than cám tăng quá cao lên đến 5,5 triệu đồng/tấn, giá xăng dầu tăng cao, giá thạch cao tăng 50%.... Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Chính phủ đánh thuế xuất khẩu đối với Clinke dẫn đến một số doanh nghiệp bị hạn chế xuất khẩu.

Đây là vấn đề không chỉ của riêng Tập đoàn Vissai mà là vướng mắc chung của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, đạm, phân bón, kính nổi. Đơn cử như mức giá than hiện tại Nhà máy Đạm Ninh Bình mua của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cao hơn 43% so với đầu năm 2022. Ở chiều ngược lại, mặt hàng phân đạm, giá ure có giá bán giảm mạnh, thị trường tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra phân bón cũng được đưa vào đối tượng không chịu thuế GTGT, làm tăng chi phí sản xuất năm 2023 của Nhà máy Đạm thêm hơn 300 tỷ đồng do phải tính thuế GTGT đầu vào vào chi phí sản xuất và không được đối trừ vào giá bán.

Đối với các công ty sản xuất kính, do nguyên, nhiên liệu và vật tư phục vụ sản xuất kính nổi liên tục tăng cao từ 15% đến 40%, thời gian nhập khẩu cũng kéo dài hơn so với trước đây, điều này ảnh hưởng rất lớn đến vòng quay vốn của doanh nghiệp, do vậy đã đẩy toàn bộ chi phí sản xuất lên rất nhiều, nhiều doanh nghiệp như Kính Tràng An, Công ty đầu tư, thương mại Khánh Phú đã phải ngừng sản xuất…

Công ty TNHH NienHsing gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào của ngành may tăng cao.

Có thể nói, chưa bao giờ ngành may gặp nhiều khó khăn như thời điểm này và hiện có gần 80% số doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh bị giảm đơn hàng. Không những thế, giá các nguyên liệu phục vụ ngành may mặc từ năm 2022 đến nay tăng 10% đến 15% so với các năm trước. Vì thế, doanh nghiệp ngành may càng khó chồng khó.

Đại diện Công ty TNHH NienHsing (KCN Khánh Phú) cho biết: Do ảnh hưởng của lạm phát nên từ năm 2022 đến nay, nguồn nguyên liệu cũng như các phụ kiện phục vụ sản xuất tăng cao. Trong khi đó, giá thành phẩm xuất khẩu của Công ty vẫn giữ nguyên, thậm chí nhiều mặt hàng còn được Công ty giảm giá để kích cầu tiêu dùng, dẫn đến lợi nhuận đạt thấp.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, quan tâm đến các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tỉnh đặc biệt chú trọng tạo điều kiện thuận lợi đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, nhất là các dự án liên quan đến công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu phù hợp với sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-nguyen-lieu-tang-cao-san-xuat-cong-nghiep-gap-kho/d20231015143529177.htm