Giá căn hộ TP.HCM vượt 80 triệu đồng/m2, liệu có giảm sau sáp nhập?
TP.HCM cũ ghi nhận giá căn hộ tăng 29% trong một năm qua, lên mức trung bình 82 triệu đồng/m2. Với việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thị trường được kỳ vọng hạ nhiệt.

Trong 6 tháng đầu năm, khu vực Bình Dương cũ ghi nhận gần 8.300 căn hộ mở bán mới, cao gấp 6 lần TP.HCM cũ. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong buổi báo cáo thị trường bất động sản quý II mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm và tăng nguồn cung, mà còn có thể góp phần hạ nhiệt giá bất động sản nhờ kéo giãn mức giá trung bình.
Thực tế, theo báo cáo của CBRE, trong quý II, giá căn hộ tại khu vực TP.HCM cũ đạt trung bình 82 triệu đồng mỗi m2, tăng 7% theo quý và tăng tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mở bán mới trong quý chủ yếu đến từ một dự án mở bán lần đầu cùng các giai đoạn tiếp theo của những dự án đã giới thiệu trước đó, với mức giá được điều chỉnh tăng thêm 10-13% so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, khu vực Bình Dương cũ lại có nguồn cung dồi dào hơn hẳn. Trong 6 tháng đầu năm, khu vực này ghi nhận gần 8.300 căn hộ mở bán mới, cao gấp 6 lần TP.HCM cũ. Giá sơ cấp chung cư tại đây chỉ vào khoảng 38 triệu đồng/m2.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến TP.HCM mới sẽ có thêm 6.000-8.000 sản phẩm nhà ở mới, trong đó khoảng 70% đến từ các khu vực vừa được sáp nhập như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này có thể giúp kéo giảm giá trung bình toàn thị trường.
Đại diện CBRE đánh giá việc sáp nhập mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, từ việc mở rộng lựa chọn cho người mua nhà, giảm giá bán, đến tạo ra xu hướng giãn dân đô thị.
Theo bà Dung, trước đây, yếu tố tâm lý về ranh giới hành chính và các vấn đề liên quan đến hộ khẩu, tạm trú, thường trú... khiến nhiều người dân TP.HCM cũ không muốn di chuyển đến các khu vực giáp ranh như Bình Dương, dù chỉ cách nhau một đoạn ngắn. Việc sáp nhập góp phần xóa bỏ rào cản này, giúp người dân dễ dàng cân nhắc chuyển đến những khu vực có mức giá hợp lý hơn mà vẫn nằm trong ranh giới địa lý TP.HCM.
Bà Dung nhận định giá bán căn hộ và nhà liền thổ tại các khu vực ngoại thành đang thấp hơn TP.HCM cũ, lần lượt khoảng 50% và 80% tính đến quý II. Do đó, kể cả trong bối cảnh nguồn cung tương lai dồi dào, các thị trường ngoại thành vẫn còn nhiều dư địa tăng giá, dự kiến đạt mức tăng trung bình 9-11% mỗi năm đối với căn hộ, và 6-12% mỗi năm với nhà liền thổ trong 3 năm tới.
Cùng chung quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở tại CBRE Việt Nam - cho rằng xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn ở các đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực Long An và Bình Dương cũ, nhờ sở hữu nhiều dự án quy mô lớn và tốc độ triển khai nhanh.
Ông nhận định mặt bằng giá tại các đô thị vệ tinh đã có nhiều thay đổi đáng kể, khi các chủ đầu tư lớn tập trung phát triển, đưa ra các chủng loại sản phẩm mới, góp phần định hình lại thị trường. Theo ông, xu hướng phát triển khu đô thị quy mô lớn sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường phía Nam, tương tự mô hình đang diễn ra tại Hà Nội.
Riêng tại TP.HCM cũ, ông Kiệt cho rằng giá bất động sản sẽ có xu hướng ổn định hoặc tăng chậm. Các dự án mới trong thời gian tới có thể sẽ tập trung vào các khu vực ngoại thành, nơi có mức giá thấp hơn so với khu vực trung tâm hiện tại.