'Gatsby vĩ đại' và câu chuyện về một nhan đề gây tranh cãi
Có lẽ ít cuốn sách nào lại gây tranh cãi nảy lửa ngay từ nhan đề như 'The Great Gatsby' (Gatsby vĩ đại) - kiệt tác văn chương của F. Scott Fitzgerald.
4 lần đến Việt Nam qua 4 bản dịch của Mặc Đỗ, Hoàng Cường, Trịnh Lữ và Thiên Lương, tác phẩm được biết đến với 3 nhan đề khác nhau, theo thứ tự tương ứng là Con người hào hoa, Gatsby vĩ đại, Đại gia Gatsby và Gatsby vĩ đại.
Hoàng Cường và Thiên Lương cùng dịch nhan đề cuốn sách này là Gatsby vĩ đại, sát nhất với bản gốc của nó. Còn Mặc Đỗ và Trịnh Lữ đều dịch khá xa bản gốc. Không rõ quan điểm của Mặc Đỗ thế nào, nhưng theo Trịnh Lữ thì “Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gastby mới thực sự vĩ đại".
Quan điểm này của dịch giả Trịnh Lữ đã gây nên một cuộc bút chiến khắp trong nước và ngoài nước, tốn khá nhiều giấy mực và chẳng đi đến được một kết luận nào. Ai cũng giữ cái lý của mình. Thực ra nếu xem các bản dịch tiếng Pháp Gatsby le Magnifique hay tiếng Nga Великий Гэтсби, ta đều có thể thấy cái nghĩa vĩ đại của chữ great trong bản tiếng Anh. Ngay trong cuốn phim dựng theo tác phẩm này với Leonardo DiCaprio đóng vai Gatsby, đoạn cuối cùng cũng có dụng ý khá rõ về sự vĩ đại của Gatsby: Nick, người kể chuyện, quay lại viết thêm chữ The great sau khi đã viết tên tác phẩm của mình là Gatsby.
Cái dụng ý Gatsby The great ở đây được điện ảnh hóa một cách rất đẹp, rất thơ và rất rõ ràng. Tuy nhiên văn chương không phải toán học, nó không bao giờ có chỉ một cách hiểu, một lời giải duy nhất. Mỗi đối tượng độc giả sẽ hiểu văn chương theo trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống, quan điểm sống và kiến thức nền của mình.
Thậm chí một người có thể hiểu một tác phẩm theo nhiều cách khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của đời họ. Vậy nên Trịnh Lữ hay Mặc Đỗ có lý do riêng trong việc chọn nhan đề tác phẩm, cũng như Thiên Lương và Hoàng Cường có lý do của họ trong việc chọn cách dịch sát với bản gốc nhất có thể.
Thực ra, để hiểu được sự vĩ đại của Gatsby, chúng ta không thể nhìn nhận điều ấy dưới con mắt bình thường. Cũng như người ta không thể dùng đơn vị thể tích để đo chiều cao, đơn giản là hai cách nhìn nhận khác nhau. Cũng không phải ai cũng chịu hiểu Gatsby, kẻ chết một cái chết có phần ngớ ngẩn vì người đàn bà đã từ bỏ mình. Dưới con mắt phàm nhân thì đó quả là một sự lố bịch lãng phí.
Tuy nhiên đôi khi sự vĩ đại không nằm ở tầm cỡ và giá trị giấc mơ, mà ở chính những nỗ lực và sự hy sinh cho nó. Nếu nói về những nỗ lực và sự hy sinh của Gatsby cho tình yêu của mình, ngay cả khi anh đã nhận ra rằng cô gái anh yêu thực ra cũng chỉ “toàn là tiền”, thì phải thấy rằng đó là những việc nằm ngoài tầm cỡ của một con người bình thường. Nó cần đến một ý chí phi thường, một sự hy sinh phi thường. Và sự phi thường thì dĩ nhiên không thể đo bằng cái thước “toàn là tiền” của những người bình thường.
Câu chuyện về nhan đề cuốn sách này cũng đưa đến một vấn đề gây tranh cãi nhiều năm gần đây trong làng văn chương Việt Nam, đó là dịch phải đúng hay là phải thuần Việt? Bản dịch nào cũng không thể thiếu vai trò cá nhân của dịch giả. Dẫu người ta nói dịch giả là con khỉ, con vẹt hay cái bóng của tác giả thì cũng không ai có thể phủ nhận rằng bản dịch là tác phẩm phái sinh với chất lượng phụ thuộc gần như tuyệt đối vào dịch giả. Không phải con khỉ nào cũng múa may giống nhau và giống tác giả, đặc biệt trong những khu rừng hoàn toàn xa lạ và đầy rẫy bất trắc với cả chính tác giả.
Đôi khi người ta còn nhầm lẫn giữa giá trị bản gốc và giá trị bản dịch. Không phải cứ dịch các văn hào vĩ đại là khó, không phải cứ bản dịch danh tác là hay. Với các công cụ sáng tạo ngày nay như internet, máy tính, điện thoại, từ điển điện tử…, việc dịch sách dường như đã trở nên vô cùng đơn giản, và bất cứ ai cũng có thể dịch bất cứ cuốn sách nào, dù nó khó đến đâu. Vấn đề hiện nay không phải là dịch được hay không, mà dịch thế nào!
Có quan điểm cho rằng phải Việt hóa hoàn toàn bản dịch, nhưng cũng không ai hiểu được và định nghĩa được thế nào là thuần Việt. Vả lại, một ngôn ngữ chưa chết là một ngôn ngữ còn cập nhật cái mới. Cũng không thể cho một nhà tư bản Mỹ nói và nghĩ giống hệt Bá Kiến ở làng Vũ Đại, và giới mafia New York lại càng không thể nói năng giống hệt giang hồ Sài Gòn xưa.
Cách dịch thoáng ấy có thể dễ đọc và nhờ đó mà đưa sách đến với nhiều độc giả hơn, nhưng mặt trái của nó là làm mất đi chất văn chương của tác phẩm gốc, làm mất đi các siêu liên kết giữa nó đến các tác phẩm khác cũng như từ các tác phẩm khác đến nó. Mà văn chương, dưới một góc nhìn nào đó, chính là một quá trình dụng điển.
Dĩ nhiên, việc dịch quá sát bản gốc cũng có những mặt trái của nó, đó là làm cho văn bản đôi khi quá khó đọc, câu quá dài và buộc độc giả phải đọc đi đọc lại nhiều lần mà nhiều khi vẫn không hiểu. Dịch vừa tín, vừa đạt lại vừa nhã là công việc đòi hỏi không chỉ nỗ lực phi thường của dịch giả mà còn cả kinh nghiệm, cảm nhận văn chương, văn hóa nền và năng lực tư duy của chính dịch giả nữa.
Thậm chí sự tín, đạt, nhã ấy còn đến từ chính độc giả. Không ai có thể dịch Hegel cho một học sinh cấp hai hiểu dễ dàng. Khi tầm cỡ độc giả chưa tới, thì tín, đạt, nhã chỉ là thủ thuật marketing mà thôi. Nhưng nói cho cùng thì ngay trong ba chữ Tín, Đạt, Nhã - kim chỉ nam của mọi dịch giả, chữ Tín vẫn được đặt lên hàng đầu. Dịch mà không tín thì rất khó đạt, và nếu không tín, không đạt thì nhã tuy cũng có phần nào ích lợi đấy, nhưng chỉ ở mức độ thấp hơn nhiều, thậm chí có thể có hại vì làm hỏng cách nhìn nhận tác phẩm của độc giả, làm cho tác giả bị hoài nghi là đã được đánh giá quá cao.
Và sự trở lại của Gatsby vĩ đại qua bản dịch của Thiên Lương, một người dịch rất coi trọng tín, đạt, nhã trong công việc của mình, biết đâu có thể đặt được F. Scott Fitzgerad lên một vị trí xứng đáng hơn chăng?
Nguồn VTC: https://vtc.vn/gatsby-vi-dai-va-cau-chuyen-ve-mot-nhan-de-gay-tranh-cai-ar606068.html