Gấp rút sửa quy định về giao dịch liên kết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp kiến nghị cần nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức cao hơn để giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, sớm trình Chính phủ ban hành.
Sửa đổi, bổ sung gỡ khó cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngày 15/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.
Thông tin về tình hình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132, bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.
Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 132, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi tổ chức tín dụng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay, hoặc không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn của một bên khác.
Theo bà Tô Kim Phượng, việc khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10% - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.
Theo đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định 132, nhiều doanh nghiệp có kiến nghị bỏ quy định này.
Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng cần nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức cao hơn, chẳng hạn 50% EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) để phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư.
Bà Tô Kim Phượng cho biết, qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi.
Kinh nghiệm quốc tế xác định quan hệ liên kết về vốn
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thu thập thêm kinh nghiệm quốc tế liên quan đến nội dung vướng mắc mà các doanh nghiệp kiến nghị về xác định quan hệ liên kết về vốn.
Bộ Tài chính cho biết, đã tìm kiếm quy định về bên liên kết của một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Ấn Độ).
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có quy định tương tự về các bên có quan hệ liên kết đối với trường hợp sở hữu vốn góp và cho vay như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định 132.
Tuy nhiên, Trung Quốc có quy định về loại trừ các khoản vay, hoặc bảo lãnh giữa các tổ chức tài chính độc lập; Nhật Bản có quy định nhưng không rõ ràng (quy định tỷ lệ đáng kể); Hàn Quốc có quy định tương tự, nhưng cần đánh giá thêm bên đi vay, hoặc bảo lãnh có quyền quyết định trọng yếu đến chính sách kinh doanh của bên đi vay, hoặc bên được bảo lãnh không để xác định có phải bên liên kết.
Cụ thể, quy định của Trung Quốc: 2 bên được xác định là các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp một bên sở hữu cổ phần của bên kia, hoặc một bên thứ ba đồng thời sở hữu cổ phần của cả hai bên, mặc dù tỷ lệ cổ phần nắm giữ trong một trong hai trường hợp nhỏ hơn tỷ lệ quy định tại mục (i), tổng số nợ giữa hai bên chiếm từ 50% trở lên trên tổng số vốn góp của một bên, hoặc từ 10% trở lên tổng nợ của một bên được bên kia bảo lãnh (trừ các khoản vay hoặc bảo lãnh từ hoặc giữa các tổ chức tài chính độc lập).
Quy định của Ấn Độ: 2 doanh nghiệp được xác định là các bên liên kết trong trường hợp khoản cho vay của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp kia chiếm không thấp hơn 51% giá trị sổ sách của tổng tài sản của doanh nghiệp kia.
Quy định của Nhật Bản: 2 doanh nghiệp được xác định là các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp doanh nghiệp này phát sinh một tỷ lệ đáng kể các khoản nợ tồn đọng phục vụ cho hoạt động của công ty, được cho vay hoặc bảo lãnh bởi danh nghiệp kia.
Quy định của Hàn Quốc: Các bên được xác định là có quan hệ liên kết trong trường hợp mối quan hệ giữa các bên liên quan trong giao dịch mà trong đó cả hai bên đều có lợi ích chung trong việc điều chỉnh thu nhập tùy thuộc vào quan hệ đầu tư vốn cổ phần, quan hệ giao dịch hàng hóa, dịch vụ, quan hệ cho vay tiền tệ và mỗi bên tham gia giao dịch đều có quyền quyết định trọng yếu đến chính sách kinh doanh của bên kia trong trường hợp: Một bên phải vay bên kia ít nhất 50% nguồn vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh, hoặc huy động thông qua bảo lãnh thanh toán của bên kia.
Xuất hiện nhiều hình thức chuyển giá mới
Theo ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào thị trường kinh tế thế giới nên vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các công ty, tập đoàn ngày càng trở nên phức tạp, xuất hiện nhiều hình thức chuyển giá mới thông qua việc người nộp thuế thực hiện chính sách giá nội bộ tập đoàn để tối thiểu hóa số thuế phải nộp, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các hành vi gian lận thuế, tránh thuế ngày càng phức tạp và tinh vi, tình trạng này vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước, vừa gây bất ổn thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.