Gấp rút hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai
Bắc Giang là địa phương triển khai sớm việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số huyện, thị xã chưa hoàn thành để kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung cao thực hiện nhiệm vụ này.
Một số địa phương thực hiện chậm
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai - VILG” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã có 7 huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm: Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng (nay thuộc thành phố Bắc Giang) và thị xã Việt Yên; riêng thành phố Bắc Giang (trước khi sáp nhập với Yên Dũng) và huyện Hiệp Hòa đã xây dựng được phần mềm cơ sở dữ liệu đưa vào sử dụng.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Bắc Giang thực hiện đăng ký biến động về đất đai cho công dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của hơn 2,83 triệu thửa đất vào phần mềm cơ sở dữ liệu về đất đai. Trong đó, các địa phương cập nhật được nhiều là Lục Nam và thành phố Bắc Giang mỗi nơi hơn 600 nghìn thửa; Lạng Giang gần 550 nghìn thửa,... Các dữ liệu về đất đai được cập nhật lên phần mềm điện tử đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hành chính công, giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân. Nhờ có cơ sở dữ liệu đất đai, thời gian qua, cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế đã thực hiện hiệu quả việc liên thông điện tử xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của hơn 2,83 triệu thửa đất vào phần mềm cơ sở dữ liệu. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2025, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai để kết nối, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại một số địa phương của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 3 địa phương là thị xã Chũ, các huyện Lục Ngạn và Sơn Động chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai. Nguyên nhân do hệ thống thông tin đất đai ở những địa phương này chưa được chuẩn hóa; quá trình thu thập, cập nhật và số hóa dữ liệu đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nhân lực có chuyên môn quản lý dữ liệu đất đai còn thiếu. Một số xã, thị trấn chưa hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính... Tại huyện Hiệp Hòa, dù đã xây dựng cơ sở dữ liệu này từ nhiều năm trước song do phần mềm không tương thích nên kết quả cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu còn hạn chế.
Phấn đấu hoàn thành trong năm 2025
Được biết, để sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường được tỉnh giao chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm hệ thống thông tin đất đai đang vận hành tại địa phương để có phương án lựa chọn, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu về đất đai trong giai đoạn hiện nay, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường làm chủ đầu tư dự án “Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận và xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai huyện Sơn Động, huyện Lục Ngạn và thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang”. Giao huyện Hiệp Hòa làm chủ đầu tư dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Hiệp Hòa”.
Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay, thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung cao triển khai các phần việc. Hiện đơn vị đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ dự án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng kinh phí dự toán thực hiện dự án gần 88,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến 2026; trong đó 80% khối lượng được thực hiện trong năm nay.
Dự án tại huyện Hiệp Hòa cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện hơn 11 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công. Với quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 6 tới, huyện chủ động bố trí đủ kinh phí thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà thầu trong quá trình thi công.
Ngoài các phần việc nêu trên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh tại Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 13/2/2025 về kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch, làm giàu dữ liệu đất đai tỉnh Bắc Giang, bảo đảm thống nhất, đồng bộ thông tin về thửa đất khi kết nối các cơ sở dữ liệu, Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa quyết định cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, cắt giảm thời gian giải quyết từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, tạo thuận lợi cho công dân “Đăng ký biến động với trường hợp đổi tên hoặc thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Thực hiện nội dung này, Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tổng hợp danh sách hơn 203 nghìn thửa đất cần làm sạch, làm giàu dữ liệu. Mục tiêu của tỉnh là năm 2025 hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai để kết nối, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/gap-rut-hoan-thanh-co-so-du-lieu-ve-dat-dai-postid413741.bbg