Gặp nữ CEO chuyên 'lội ruộng' với triết lý được làm là hạnh phúc
Gần 30 năm qua, thời gian mà Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh, Bùi Thị Hạnh Hiếu dành để lội ruộng theo đúng nghĩa cùng bà con nông dân để phát triển các vùng lúa đặc sản từ địa đầu Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau xa xôi có lẽ nhiều hơn ở nhà. Nhưng với nữ CEO này, đó không chỉ là niềm vui công việc mà là cơ duyên để đưa hạt gạo Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phải rất nhiều cuộc điện thoại, tôi mới hẹn gặp được chị Hiếu, bởi chị rất bận vào những ngày cuối năm, lại đúng dịp siêu thị Bảo Minh Mart – “đứa con tinh thần” của Bảo Minh kỷ niệm tròn 3 tuổi. Mục sở thị không gian của Bảo Minh Mart, tôi nhận thấy nơi đây khá đặc biệt so với đa phần các siêu thị hay cửa hàng tiện ích hiện nay.
Người chở hạt gạo 'đặc sản' đi xa
Chị Hiếu vui vẻ giới thiệu rằng "tôi là vị khách duy nhất tới dự sinh nhật vì chị chỉ muốn làm đầm ấm trong doanh nghiệp, cũng như ngay trưa hôm đó phải về Hải Dương để khảo sát vùng sản xuất lúa rươi, lại lội ruộng cùng bà con nông dân”.
Chị bảo, mình bán những sản phẩm từ gạo nhưng muốn mỗi khách hàng đến đây không chỉ mua sản phẩm mà còn được trải nghiệm không gian sản xuất lúa gạo đặc sản của bà con từ mọi miền đất nước dù số kinh phí đầu tư tốn kém hơn.
Tình yêu của chị Hiếu với hạt gạo đặc sản giống như câu ca của xứ Mường Lò – Nghĩa Lộ (Yên Bái) rằng: “Muốn ăn gạo trắng nước trong, vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò, Nếp Tú Lệ, Tẻ Mường Lò…”. Đó là một số trong rất nhiều “hạt ngọc trời” đặc sản đã được được chị Hiếu để ý tới.
Gần 30 năm gắn bó với hạt gạo, Bảo Minh đã thu mua, chế biến và cung cấp ra thị trường khoảng 40 loại gạo đặc sản của khắp các vùng miền như: Gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Tú Lệ, tám Điện Biên, Séng Cù… Hiện đơn vị là đối tác của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước với nhiều chủng loại, từ gạo thường đến gạo lứt, từ gạo trắng đến gạo màu.
Chị tâm niệm, gạo không chỉ là lương thực mà còn là thuốc bổ, các loại vitamin và dưỡng chất. Chính vì vậy, Bảo Minh đã đầu tư nhiều mô hình chuỗi liên kết nhằm giữ gìn được các giống lúa đặc sản cổ truyền của Hà Nội và nhiều vùng khác, không để mai một, nông dân có đầu ra và bán được sản phẩm có giá trị cao, bớt được đói nghèo, người tiêu dùng có được những loại gạo phong phú, đáp ứng được nhu cầu của mình. Từ hạt gạo bé nhỏ mà Bảo Minh xây dựng được những giá trị không hề nhỏ cho xã hội.
Chỉ tay về phía những kệ hàng đầy ắp, chị Hiếu nói rằng, triết lý kinh doanh của Bảo Minh là phát triển bền vững. Từ năm 2015, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết 5 nhà: Cơ quan Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp vùng nguyên liệu và những chỉ đạo sản xuất vì lúa là cây trọng điểm quốc gia; Nhà khoa học với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân; Nhà tổ chức sản xuất là Công ty Bảo Minh, nhà nông và các hợp tác xã; nhà phân phối.
"Sứ mệnh của chúng tôi không đơn thuần là kinh doanh mà đang phát triển các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ (Organic) theo hướng phát triển bền vững. Mặc dù xác định sẽ rất khó khăn vì xu thế này đang chưa phát triển tại Việt Nam nhưng vì sức khỏe của người tiêu dùng nên chúng tôi kiên quyết đi theo”.
Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh
Không chỉ mang lại giá trị cho người nông dân thông qua phát triển vùng trồng, liên kết sản xuất - tiêu thụ, Tổng giám đốc, các thành viên Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh còn đi khảo sát khắp nơi, từ vùng đất địa đầu Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau xa xôi. Đi đến nơi nào, Bảo Minh cũng cố gắng tạo dựng giá trị, nỗ lực góp phần gìn giữ và phát triển các giống lúa quý của bản địa.
Mỗi giống lúa đặc sản đến tay người tiêu dùng hôm nay là nỗ lực, tâm huyết không biết mệt mỏi của chị Bùi Thị Hạnh Hiếu và các thành viên Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh suốt chặng đường gần 30 năm đã qua. Với nữ doanh nhân này, hạt gạo không chỉ là sự nghiệp mà còn là duyên nợ, một tình yêu lớn nảy nở từ thời niên thiếu.
Trước băn khoăn ở thời điểm gần 30 năm trước khi mà nhiều người vẫn ít quan tâm tới gạo đặc sản, đồng thời nhiều nhà kinh doanh lựa chọn con đường xuất khẩu, tại sao Bảo Minh chọn cho mình một con đường riêng là liên kết với bà con dân tộc thiểu số để phát triển vùng nguyên liệu gạo đặc sản, “đánh thẳng” vào thị trường nội địa – nơi mà đa phần người tiêu dùng có sẵn lúa gạo nhà trồng.
Chị Hiếu nhớ lại, thời điểm hơn 27 năm trước, chị bắt đầu có cơ duyên gắn bó với hạt gạo Việt Nam. Khi đó, chị đi nhiều nơi trên thế giới và thấy rằng chẳng nơi nào gạo ngon bằng "nhà mình", gạo Việt có rất nhiều giống, chủng loại thơm ngon. Thời điểm đó cũng chẳng có khái niệm hay slogan gì, lúc đầu tập trung vào phát triển 5-10 mã, cứ 3 năm làm nổi danh một vùng như nếp nương, huyết rồng của người Tày…
Trong hành trình xây dựng gạo đặc sản thấy rằng những đặc điểm ưu Việt như nếp nương béo ngậy, nếp Tú Lệ dẻo dai, Séng Cù có vị đậm vượt trội. “Trong những hành trình đó thôi thúc cho mình trở về nơi hội tụ gạo ngon đất Việt, sứ mệnh của Bảo Minh là kết nối tinh hoa lúa gạo đến mọi nhà, bán đến đâu xát đến đó. Hành trình đến với hạt gạo là hết sức tự nhiên, càng làm càng thấy gắn bó”, chị Hiếu kể.
Thành công của doanh nghiệp và nụ cười của nhân viên
“Gắn bó với hạt gạo không chỉ ở chữ duyên mà còn là sứ mệnh, nếu không làm gạo, tôi cũng không biết làm gì khác. Bảo Minh đang phấn đấu để tạo ra một hệ sinh thái về nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh chế biến sâu từ hạt gạo”, CEO Bảo Minh cho biết.
Tất nhiên, không con đường nào trải đầy hoa hồng, với CEO Bảo Minh cũng vậy, sau thành công là những giọt mồ hôi. Chị Hiếu kể, thời gian ở ngoài đồng ruộng nhiều hơn ở nhà, có thời điểm không phải chị nhụt chí mà muốn dừng bước, nhưng dừng bước rồi lại tự hỏi gạo đặc sản sẽ đi đâu về đâu. Bà con dân tộc làm ra sản phẩm ngon nhưng điểm yếu là không biết marketing, do vậy sứ mệnh của doanh nghiệp là làm sao để người tiêu dùng biết đến giá trị của hạt gạo. Vì thế, mỗi một loại gạo, Bảo Minh phải mất hơn 5 năm để xây dựng được thương hiệu.
“Tôi nhớ làm thương hiệu gạo Séng Cù từ năm 2005 nhưng đến 2010 mới được gọi là có chút thành công, bắt đầu định vị được thương hiệu trong tiềm thức người tiêu dùng. Con đường này còn rất dài, cần sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp”, CEO Bảo Minh chia sẻ.
Nữ Tổng Giám đốc vẫn nhớ câu chuyện của năm 2018, khi mưa lũ xảy ra ở các tỉnh Tây Bắc gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho nông dân mà Công ty Bảo Minh cũng chịu tổn thất lớn. Có những vùng trồng lúa đặc sản mà doanh nghiệp đã đầu tư tới 500 triệu đồng, thế nhưng mùa vụ ấy chỉ thu được 5 tấn gạo, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp, đối với Bảo Minh, 3 năm COVID-19 cũng là thời gian rất dài với biết bao khó khăn. Trước những khó khăn đó, cán bộ nhân viên trong Bảo Minh động viên nhau cùng cố gắng để đưa doanh nghiệp thay đổi, thích nghi với điều kiện mới, làm rõ hơn là nơi hội tụ gạo ngon của đất Việt, định dạng tiêu dùng.
“Đáng mừng là sau chuỗi ngày u ám tôi vẫn được ngồi ở đây”, chị Hiếu cười và chia sẻ niềm vui lớn nhất của chị chính là triết lý được làm là hạnh phúc. Năm 2022, gạo Bảo Minh không chỉ thâm nhập tốt các kênh siêu thị hiện đại mà còn tiếp cận được với thị trường thế giới. Hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu tới các đối tác ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, có những sản phẩm bán được với giá 1.600 USD/tấn.
Có thể thấy, khó khăn không ngăn được tình yêu của chị Hiếu với hạt gạo. Suốt hành trình gần 30 năm đã qua, thành công của thương hiệu gạo Bảo Minh gắn liền với tên tuổi của nữ Tổng Giám đốc, không quản vất vả, lội ruộng cùng bà con nông dân tìm kiếm, phát triển những vùng trồng lúa chất lượng. Sát cánh cùng bà con nông dân nâng tầm hạt gạo, gia tăng giá trị trên đồng đất quê hương.
Chị bảo, có được thành công này là sự đóng góp của toàn thể nhân viên trong công ty. Hay nói cách khác, sự phát triển của một doanh nghiệp được xây dựng từ nụ cười, cống hiến của mỗi nhân viên.
Với chiến lược trở thành một tập đoàn trong tương lai không xa, gạo Bảo Minh đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới chuỗi giá trị nông nghiệp sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn, nhằm cung cấp những bữa ăn an toàn cho người Việt. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phát huy và kinh doanh các loại lúa gạo đặc sản, hạn chế sự mai một, bị tuyệt chủng các giống lúa quý, và gia tăng nguồn thu kinh tế cho địa phương.
“Có chết đi sống lại vẫn yêu gạo, muốn tôn vinh cho nó, có cơ hội lúc nào làm lúc đấy. Ngay trong bữa ăn hàng ngày cũng luôn tìm cách nâng tầm hạt gạo”, CEO Bảo Minh chia sẻ.