Gặp gỡ 'cô thợ xác' với đam mê nhuộm xương động vật

Cốt sắc học – một kỹ thuật nhuộm xương xác động vật, có thể là lĩnh vực còn xa lạ với nhiều người, nhưng đối với 'cô thợ xác' Sally Trần, đây là đam mê được nung nấu ngay từ nhỏ.

Bắt đầu từ sở thích độc đáo

Nằm trong con hẻm đường Tú Xương, thành phố Vũng Tàu, nhà trưng bày cốt sắc học mở cửa đón khách từ 7:00 sáng. Các khách tham quan đến đây ở mọi lứa tuổi và ít ai biết rằng, chủ nhà trưng bày này là một cô sinh viên trẻ, chỉ mới 21 tuổi.

Trần Thị Mai Phương, hay Sally Trần, chủ phòng trưng bày cốt sắc học.

Trần Thị Mai Phương, hay Sally Trần, chủ phòng trưng bày cốt sắc học.

“Từ nhỏ, tôi đã không thích những thứ đại trà, cái gì càng độc lạ thì càng cuốn hút tôi. Tôi từng nuôi rắn, rùa, kỳ đà, tắc kè, trăn, thậm chí là đại bàng nên khá dạn dĩ với việc xử lý xác chết để làm tiêu bản”, Sally Trần, tên thật là Trần Thị Mai Phương, nói về niềm đam mê đặc biệt của mình.

Sally chia sẻ, cô từng chôn một chú rùa cách đây 12 năm, và khi đào lên, cô nhận ra xương của nó đã tan biến hoàn toàn. Lúc đó, cô nghĩ rằng chết và biến mất như vậy thật phí. Chính từ suy nghĩ này, Sally bắt đầu làm công việc cốt sắc học, với mong muốn biến những mẫu vật thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp nhất.

Từ khi còn học lớp một, những hình ảnh về động vật có phần xương trong suốt, được nhuộm màu sặc sỡ trên internet đã thu hút cô. Những hình ảnh đó đã dẫn dắt cô vào bộ môn khoa học có tên là diaphonization, hay còn được biết đến là phương pháp “nhuộm xương”.

Quy trình “nhuộm xương” đòi hỏi sự phức tạp và sử dụng nhiều hóa chất, khiến Sally không thể theo đuổi đam mê ngay từ những ngày đầu phát hiện. Phải đến khi lên lớp 8, với sự hỗ trợ từ cha, cô mới chính thức bước chân vào thế giới của cốt sắc học.

Khách tham quan phòng trưng bày cốt sắc học tại Vũng Tàu. Ảnh: Thái Lan

Khách tham quan phòng trưng bày cốt sắc học tại Vũng Tàu. Ảnh: Thái Lan

Cha của Sally đã lập một phòng thí nghiệm, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và dụng cụ cần thiết, giúp cô thoải mái thực hiện các thí nghiệm và khám phá. Với đam mê độc đáo, nên nhiều người quen gọi Sally là “cô thợ xác”.

“Sống” được với đam mê

Trải qua tám năm làm việc và nghiên cứu, Sally đã chính thức “khởi nghiệp” với phòng trưng bày cốt sắc học tại Vũng Tàu. Tới thời điểm hiện tại, cô đã giới thiệu gần 300 tác phẩm nghệ thuật khoa học độc đáo, với mức giá dao động từ 200.000 đồng đến hàng trăm triệu đồng.

“Bộ môn này đã phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… và được xem là một thú chơi sưu tầm độc đáo dành cho những người yêu thích khoa học và nghệ thuật”, Sally nói.

Ngoài việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, Sally còn cung cấp dịch vụ làm tiêu bản từ xác thú cưng, với giá khởi điểm từ 500.000 đồng cho các mẫu vật bào thai hoặc sơ sinh. Các mẫu vật trung bình có giá từ 2.000.000 đến 10.000.000 đồng, và chi phí có thể cao hơn đối với những mẫu vật lớn hơn.

“Với tôi, việc hoàn thiện những tiêu bản này không chỉ là để bảo tồn vẻ đẹp của chúng mà còn là cách để trao cho chúng một cuộc đời bất tử sau cái chết”, Sally bộc bạch.

Thách thức trong đam mê

Niềm đam mê cốt sắc học của Sally không chỉ là niềm vui, mà còn đi kèm với nhiều thách thức. “Hóa chất dùng trong cốt sắc học rất độc hại và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Tôi từng bị nhiễm trùng vết thương khi vô tình bị dao mổ rơi trúng đùi trong lúc làm việc”, Sally kể lại.

Một thử thách khác mà Sally phải đối mặt là việc nhuộm xác. Nếu nhuộm không thành công, xác sẽ tan rã, và điều này đồng nghĩa với việc mất đi những gì còn sót lại của một sinh vật, có thể là thú cưng của ai đó. Tuy nhiên, cô may mắn chưa từng gặp phải tình huống như vậy với các khách hàng của mình.

Xác động vật đứt gãy chi được giữ nguyên.

Xác động vật đứt gãy chi được giữ nguyên.

Trong mọi tác phẩm của mình, Sally nhấn mạnh tính đạo đức trong cốt sắc học “Vẻ đẹp thật sự của cái chết là khi nó đến một cách tự nhiên, không phải do sát sinh để tạo ra nghệ thuật.” Tại phòng trưng bày, một dòng chữ lớn và nổi bật được in đậm, “100% mẫu vật dùng làm tiêu bản đều là động vật không may chết”.

Sally giải thích về thông điệp này “Mọi người thường hiểu lầm và kỳ thị cốt sắc học, cho rằng những mẫu vật này là kết quả của việc sát sinh. Vì vậy, tôi đã phải giải thích và chứng minh nhiều lần về nguồn gốc của chúng”.

Cô cũng chia sẻ rằng những mẫu vật này đều có nguồn gốc rõ ràng, chẳng hạn như từ thú nuôi bị mất của chủ, những con tôm cá ngoài chợ, hoặc thậm chí là xác động vật mà cô nhặt được trên đường. Sau những nỗ lực này, mọi người đã dần hiểu và đón nhận cốt sắc học với cái nhìn tích cực hơn.

Tiêu bản cốt sắc học.

Tiêu bản cốt sắc học.

Sally cũng chia sẻ lời khuyên dành cho những người mới bắt đầu, đó là cần xác định rõ tư tưởng tôn trọng mẫu vật và thực hiện việc làm tiêu bản một cách nghiêm túc.

“Thật đáng tiếc nếu bạn chỉ thử cho biết và khi thất bại thì vứt bỏ. Đồng thời, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu thông tin khoa học hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với xác động vật và hóa chất”, Sally nói.

Thái Lan

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/gap-go-co-tho-xac-voi-dam-me-nhuom-xuong-dong-vat/