G7 thảo luận về Ukraine và Trung Quốc trong cuộc họp quan trọng

Các quốc gia G7 sẽ tập trung thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản của Nga để viện trợ cho Ukraine, cũng như ứng phó trước tình trạng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc trên thị trường.

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia thuộc nhóm G7 đã bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh tại Stresa, miền Bắc nước Ý, nhằm thảo luận phương án viện trợ cho Ukraine cũng như tìm cách ứng phó trước các chính sách trợ công nghiệp của Trung Quốc.

Cuộc họp dự kiến sẽ kéo dài hai ngày.

Tuy nhiên, trước cuộc họp, các quan chức của nhóm này cho biết chưa có thông tin cụ thể về việc sử dụng khoản lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga, với tổng giá trị ước tính lên đến 300 tỷ USD, để viện trợ cho Ukraine.

Các Bộ trưởng Tài chính của quốc gia thuộc nhóm G7 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ý. Ảnh: Reuters

Các Bộ trưởng Tài chính của quốc gia thuộc nhóm G7 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ý. Ảnh: Reuters

Trước phiên khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết “Chúng tôi đang xem xét việc sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản của Nga đang bị phong tỏa”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nhóm G7 có thể sẽ viện trợ Ukraine khoảng 50 tỷ USD, được trích từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Tuy nhiên, nhiều quan chức cho rằng cần phải xem xét cẩn thận các vấn đề pháp lý trước khi thực hiện động thái này.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, G7 sẽ phải đối mặt với một số vấn đề trước khi tiến đến đồng thuận cuối cùng về việc viện trợ cho Kiev. Do vậy, quan chức này cũng không quá kỳ vọng về việc nhóm này sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào tại Stresa.

Trong trường hợp đó, các quan chức G7 sẽ tiếp tục đàm phán trong cuộc họp sắp tới tại vùng Puglia, phía Nam nước Ý, trong quãng thời gian từ ngày 13-15/6.

Cuộc họp cũng quan tâm đến việc đưa ra giải pháp ứng phó với tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang tràn ngập EU. Tuần trước, Mỹ công bố tăng thuế đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh, bao gồm: pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế.

Dù Washington không kêu gọi các quốc gia đồng minh hiện các biện pháp tương tự, tuy nhiên, hôm thứ Năm, bà Yellen bày tỏ mong muốn các quốc gia G7, gồm: Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada đưa ra các chính sách tương tự.

Ông Le Maire cho biết các quốc gia cần tránh một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh do nước này đang là đối tác kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định G7 cần bảo vệ lợi ích công nghiệp của mình.

“Một cuộc chiến thương mại không có lợi cho Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải đối diện với thách thức từ chính sách trợ cấp của Bắc Kinh đối với hàng hóa cũng như tình trạng dự thừa công suất công nghiệp của nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Ý Giancarlo Giorgetti cho biết việc Liên minh châu Âu theo bước Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.

“Mỹ đã đưa ra những quyết định khó khăn và châu Âu có thể sẽ phải cân nhắc xem có nên tiến hành động thái tương tự hay không” – ông cho biết.

Ý kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội tốt để nối lại đàm phán về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, vốn vẫn đang bị đình trệ. Tuy nhiên, ông Giorgetti cho biết các quốc gia sẽ không thể đạt được sự đồng thuận vào tháng 6 như dự kiến, do Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn giữ quan điểm thận trọng về vấn đề này.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/g7-thao-luan-ve-ukraine-va-trung-quoc-trong-cuoc-hop-quan-trong.html