FPT điều chỉnh sau chuỗi tăng nóng, tác động đến danh mục tự doanh của công ty chứng khoán

Sau giai đoạn thăng hoa trong năm 2024 và đầu năm 2025, cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đã chứng kiến nhịp điều chỉnh đáng kể trong hai tháng gần đây. Diễn biến này thu hút sự chú ý của giới đầu tư, đặc biệt khi một số công ty chứng khoán (CTCK) nắm giữ lượng lớn cổ phiếu FPT trong danh mục tự doanh.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu FPT giảm 2,42% xuống mức 121.000 đồng/CP. Tính từ đầu năm 2025, thị giá FPT đã giảm hơn 20,6%, đi ngược với xu hướng tăng hơn 3,2% của chỉ số VN-Index. Trước đó, năm 2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của FPT với 42 lần vượt đỉnh, đà tăng tiếp tục được duy trì đến đỉnh điểm 154.300 đồng/CP vào ngày 23/1/2025 - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết.

Theo phân tích từ một số chuyên gia, nhịp điều chỉnh của FPT có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm tác động từ sự kiện ra mắt công nghệ DeepSeek, lo ngại về định giá cổ phiếu công nghệ nói chung tại Mỹ và Việt Nam sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT còn chịu áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị bán ròng lên tới 6.759 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2025, chiếm hơn 20% tổng giá trị bán ròng trên sàn HoSE (31.694 tỷ đồng).

Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2024 và báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán cho thấy một số CTCK nắm giữ đáng kể cổ phiếu FPT trong danh mục đầu tư theo giá trị hợp lý thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hoặc tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HCM) và CTCP Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) là hai đơn vị có giá trị đầu tư vào FPT lên tới hàng trăm tỷ đồng (tính theo giá gốc) tính đến cuối năm 2024.

Cụ thể, tại CTCP Chứng khoán TP.HCM (HCM), cổ phiếu FPT chiếm hơn 30% danh mục FVTPL theo giá gốc. Báo cáo tài chính của HCM ghi nhận giá gốc khoản đầu tư vào FPT tại ngày 31/12/2024 là 675,9 tỷ đồng, với giá trị hợp lý đạt 691,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,8 lần và 15,1 lần so với đầu năm.

Tương tự, CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) cũng nắm giữ cổ phiếu FPT trong danh mục AFS. Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng giá mua cổ phiếu FPT của VCI là 519,1 tỷ đồng, giá trị thị trường đạt 695,3 tỷ đồng, cho thấy khoản lãi tạm tính 176,2 tỷ đồng. Khoản đầu tư này chiếm gần 10% tổng danh mục AFS của VCI. VCI cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể tỷ trọng nắm giữ FPT trong năm 2024, với giá mua tăng gần gấp đôi so với đầu năm.

Ngoài ra, CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cũng thể hiện việc nắm giữ cổ phiếu FPT trong danh mục cổ phiếu niêm yết, với giá gốc và giá trị hợp lý tại cuối năm 2024 lần lượt là 53,3 tỷ đồng và 56,4 tỷ đồng. CTCP Chứng khoán SHS không trực tiếp nắm giữ cổ phiếu FPT mà đầu tư 177,6 tỷ đồng (giá gốc) vào cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) - một công ty con do FPT nắm 46,54% vốn. Khoản đầu tư này ghi nhận giá trị hợp lý 385 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tương ứng khoản lãi tạm tính 207,3 tỷ đồng. Cổ phiếu FRT cũng trải qua giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 và đầu năm 2025, đạt đỉnh 206.000 đồng/CP vào ngày 24/1/2025, trước khi điều chỉnh xuống 165.000 đồng/CP vào ngày 31/3, giảm hơn 11% so với đầu năm.

Đáng chú ý, một số CTCK đã thực hiện chốt lời hoặc giảm đáng kể tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu FPT. CTCP Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB) đã bán toàn bộ khoản đầu tư vào FPT (giá gốc 140,5 tỷ đồng, giá trị hợp lý 201,9 tỷ đồng tại đầu năm 2024). Hoạt động bán các tài sản tài chính FVTPL, bao gồm FPT, đã mang về cho TVB gần 194,8 tỷ đồng trong năm 2024. Tương tự, CTCP Chứng khoán DSC cũng giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu FPT từ 67,8 tỷ đồng (giá mua) xuống còn 672 triệu đồng vào cuối quý IV/2024.

Trước diễn biến điều chỉnh của cổ phiếu FPT, một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh tự doanh của các CTCK đang nắm giữ tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán nhận định hoạt động tự doanh của CTCK thường được thực hiện bởi đội ngũ chuyên nghiệp, dựa trên chiến lược và phân tích thị trường bài bản, cùng với chính sách quản trị danh mục linh hoạt. Do đó, khả năng các CTCK bị "kẹp hàng" là không cao.

Thống kê giao dịch trong quý I/2025 cho thấy FPT là mã cổ phiếu bị nhóm tự doanh bán ròng mạnh thứ hai trên sàn HoSE với giá trị 452,6 tỷ đồng, sau STB (673,69 tỷ đồng). Đồng thời, FPT cũng là cổ phiếu có số lượng quỹ bán ròng nhiều nhất (22 quỹ), chủ yếu là các quỹ mở. Động thái này được cho là do các quỹ đang thực hiện điều chỉnh danh mục đầu tư sau khi cổ phiếu FPT có dấu hiệu tạo đỉnh và chịu áp lực bán.

Một quỹ đầu tư đáng chú ý đã chốt lời FPT là Pyn Elite Fund. Trong thư gửi nhà đầu tư sau khi bán FPT và CMG, ông Petri Deryng - người đứng đầu quỹ - đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng công nghệ, đưa ra so sánh với bong bóng dot-com năm 2000 và nhận định khó có thể xác định liệu thị trường đang ở giai đoạn đầu của một đợt sụp đổ hay chỉ là một nhịp chốt lời thông thường.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/fpt-dieu-chinh-sau-chuoi-tang-nong-tac-dong-den-danh-muc-tu-doanh-cua-cong-ty-chung-khoan-81876.html