Fisher Investment: Tại sao đồng USD vẫn giữ vai trò không thể thay thế?

Vị trí của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ chính của thế giới hiện không bị đe dọa và thậm chí mối lo ngại về việc đồng USD bị mất vị trí này là hoàn toàn không có cơ sở.

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN ;

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN ;

Theo một bài viết của Công ty phân tích đầu tư Fisher Investment (Mỹ), vị trí của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ chính của thế giới hiện không bị đe dọa và thậm chí mối lo ngại về việc đồng USD bị mất vị trí này là hoàn toàn không có cơ sở.

Có nhiều ý kiến cho rằng đồng USD có khả năng mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới. Luồng quan điểm này đã tăng lên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022 khiến Mỹ kích hoạt các lệnh trừng phạt - phần lớn xoay quanh việc hạn chế quyền tiếp cận của Nga vào hệ thống tài chính toàn cầu. Nga đã bắt buộc phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế đồng USD trong giao dịch thương mại (chủ yếu là dầu mỏ) và các vấn đề khác. Nhưng việc Nga làm như vậy đã khơi dậy sự đồn đoán xung quanh việc Nga hợp tác với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các nước khác để thúc đẩy loại bỏ vai trò trung tâm của đồng USD trong thương mại toàn cầu cũng như vai trò là tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương. Nhiều người quan ngại việc này sẽ phá vỡ nhu cầu mua trái phiếu của Mỹ, khiến lãi suất tăng lên và Mỹ không thể chi trả được nợ liên bang. Hãng Fisher Investment đã theo dõi vấn đề này trong hơn một thập kỷ và đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy luồng quan điểm này là sai lầm.

“Đồng bạc xanh” đã giữ vị trí đồng tiền dự trữ chính của thế giới kể từ khi vượt qua đồng bảng Anh vào những năm 1950. Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã chỉ trích hiện tượng này gần như ngay từ đầu. Vào những năm 1960, Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard D’Estaing lần đầu tiên lập luận rằng tình trạng sử dụng đồng USD làm tiền tệ dự trữ làm tăng nhu cầu đối với tài sản USD, giữ mức lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức thấp một cách giả tạo, mang lại cho Mỹ một đặc quyền quá lớn. Năm 2010, Bộ trưởng Tài chính Brazil lúc đó Guido Mantega (người từng phục vụ dưới thời Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva) lập luận rằng một “cuộc chiến tiền tệ quốc tế” đang diễn ra, trong đó các ngân hàng trung ương - bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đã cố tình làm suy yếu tiền tệ của họ để làm cho hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn. Tuyên bố này đã thúc đẩy các hoạt động đầu cơ, với một số giả thuyết về “cuộc chiến tiền tệ” sẽ lên đến đỉnh điểm khi các quốc gia bỏ rơi đồng USD.

Đến nay, ông Lula da Silva đã trở lại vị trí Tổng thống Brazil và lập luận rằng đất nước và các đối tác thương mại của mình nên hướng tới việc sử dụng tiền tệ của chính họ trong việc giải quyết thương mại quốc tế. Phát biểu của ông đã thu hút sự quan tâm của báo giới, nhưng ý tưởng không phải là mới. Tương tự như vậy, vào năm 2013, các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã đề cập đến các lựa chọn thay thế cho hệ thống tài chính quốc tế do đồng USD thống trị. Đến nay họ vẫn đề cập đến việc này, mặc dù thực tế đó có vẻ như đã xa xôi. Bất chấp lịch sử lâu dài của những lời kêu gọi mà không đi với hành động, nhiều người cho rằng việc thay đổi sắp xảy ra.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Fisher Investment, vẫn chỉ có rất ít dấu hiệu cho thấy vị thế trung tâm của đồng USD sẽ sớm biến mất. Hãng này đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến lập luận này, trong đó nổi bật nhất, đồng USD vẫn là đồng tiền được nắm giữ rộng rãi nhất, hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác. Theo số liệu cập nhật mới nhất đến quý IV/2022, đồng USD chiếm 54,1% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu và vượt xa tất cả các đồng tiền khác. Dự trữ ngoại hối phổ biến thứ hai là đồng euro, ở mức 18,9%. Đồng yen của Nhật Bản đứng thứ ba, ở mức 5,1%. Tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng USD đã giảm từ 71,5% trong 20 năm qua. Nhưng điều đó không quá quan trọng do lượng USD của các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ trên thực tế đã tăng lên trong thời gian đó.

Theo quan điểm của Fisher Investment, sự thống trị dai dẳng của đồng USD là nhờ nền kinh tế có quy mô lớn của Mỹ, nơi có thị trường tài chính lớn mạnh, tính thanh khoản cao và cởi mở với các thể chế pháp lý vững chắc đằng sau. Vì vậy, bất chấp những biến động ngắn hạn, những cách thức mang tính cấu trúc, dài hạn này không có khả năng thay đổi nhanh chóng.

Quan điểm cho rằng Nga và Trung Quốc hoặc Saudi Arabia tìm cách loại bỏ đồng USD cũng không chính xác. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), 88% giao dịch ngoại hối sử dụng đồng USD và điều này khẳng định đồng USD vẫn thống trị các giao dịch quốc tế. Hơn nữa, BIS ước tính khoảng 50% thương mại toàn cầu được lập hóa đơn bằng đồng USD, mặc dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu. Thị trường tài tín dụng quốc tế cũng thích sử dụng "đồng bạc xanh". Theo BIS: “Tính đến quý II/2022, số nợ và khoản vay bằng đồng USD mà cả tổ chức phát hành/người vay và người cho vay đều không phải là cư dân Mỹ được ước tính có khoảng 88% tổng số nợ quốc tế và 65% tổng số khoản vay quốc tế được tính bằng đồng USD. Việc chuyển sang các loại tiền tệ khác có thể sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách các nền kinh tế toàn cầu giao dịch với nhau - một điều không thể xảy ra trong thời gian ngắn.

Quan trọng nhất, không có quốc gia nào có thể đơn giản tuyên bố tiền tệ của mình là phương tiện của thị trường thanh toán toàn cầu, và một lần nữa, độ sâu thị trường, tính thanh khoản, khả năng tiếp cận và cấu trúc pháp lý vẫn là vấn đề chủ chốt. Chẳng hạn, trong trường hợp Trung Quốc sử dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ nhằm hạn chế dòng chảy và sự tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài với đồng nhân dân tệ thì điều này sẽ không thể xảy ra do đồng NDT không đủ khả năng thanh khoản.

Khả năng sử dụng đồng ruble của Nga cũng không thể xảy ra do, không có quốc gia nào ngoài nước Nga muốn sử dụng đồng tiền này trong giai đoạn hiện nay. Khả năng nhóm BRICS phát hành một loại tiền tệ riêng cũng khó có thể trở thành hiện thực. Các quốc gia châu Âu đã mất nhiều thập kỷ để hoàn thành đồng euro, mặc dù các nước này có cấu trúc chính phủ tương tự, gần gũi về địa lý và sẵn sàng từ bỏ ngân hàng trung ương quốc gia và một số quyền tự chủ kinh tế đáng kể. Thậm chí sau đó, nhiều người lo lắng về sự mong manh của đồng tiền này, do cuộc khủng hoảng nợ công giữa những năm 2010, và đồng euro vẫn thiếu thị trường trái phiếu đủ sâu để thay thế đồng USD. Đối với nhóm BRICS, các quốc gia này có hệ thống chính trị, chính sách kinh tế, lịch sử ổn định tài chính hoàn toàn khác nhau. Có lẽ dự án của nhóm này sẽ không tham vọng như đồng euro và kể cả trong trường hợp nhóm này phát hành đồng tiền chung thì cũng không có khả năng thay thế được đồng USD.

Những người khác đề cập đến Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), một tài sản dự trữ quốc tế do IMF giới thiệu để giúp cung cấp thanh khoản cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, SDR không phải là một loại tiền tệ mà là một giỏ gồm năm loại tiền tệ chủ chốt (USD, euro, NDT, yen Nhật Bản và bảng Anh). Trên thực tế, khoảng một nửa giỏ tiền tệ này là USD, vì vậy nó sẽ không thay thế vai trò của đồng USD.

Một số khác cho rằng các ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển đang mua lượng vàng kỷ lục trong những tháng gần đây, là một động thái mang tính từ bỏ đồng USD. Tuy nhiên, điều này là không đúng do lịch sử cho thấy việc nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương giảm theo thời gian, trong khi đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính. Hơn nữa, các nước đang phát triển thường không xác định được thời điểm mua vàng tốt. Ví dụ, các nước này đã bán ròng từ năm 2000 - 2010, khi giá vàng tăng lên gấp ba lần trong giai đoạn này. Sau đó, các nước này đã mua ròng trong khi giá vàng đi ngang. Hơn nữa, các đợt mua gần đây của các ngân hàng trung ương chỉ là một sự thay đổi nhỏ trong xu hướng bán vàng về dài hạn. Năm 1950, vàng chiếm 30% dự trữ các nền kinh tế đang phát triển song đến nay mức dự trữ vàng chỉ còn 7%. Tương tự, tỷ lệ dự trữ vàng của các nước phát triển là 17% vào năm 2021, giảm xuống từ mức 80% vào năm 1950.

Trong tương lai dài hạn, có thể thế giới sẽ từ bỏ đồng USD. Tuy nhiên, hãng Fisher Investment cho rằng điều đó rất khó có thể xảy ra nhanh chóng. Và ngay cả khi điều này xảy ra thì cũng không xảy ra thảm họa. Trên thực tế, một thế giới với dự trữ tiền tệ đa dạng và thương mại được thực hiện bằng nhiều loại tiền tệ được cho là một lợi thế kinh tế. Mặc dù nó có thể hạn chế sức mạnh của các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng sẽ làm cho thương mại hiệu quả hơn và trực tiếp hơn./.

Quang Huy (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/fisher-investment-tai-sao-dong-usd-van-giu-vai-tro-khong-the-thay-the/291776.html