Fan Kpop đang bị bóc lột như thế nào

Cách bán vé concert của các công ty như Pledis Entertainment hay Hype bị chỉ trích là 'bóc lột' người hâm mộ. Fan phải trả tiền nhiều hơn nhưng thất vọng với những gì nhận được.

Người hâm mộ của Seventeen, được biết đến với cái tên Carats, đang rất tức giận với phương thức bán vé Follow to Seoul, concert sắp tới của nhóm ở Seoul.

Đầu tiên, vấn đề phát sinh do giá vé quá cao, dao động từ 154.000-198.000 won (116-150 USD). Giá vé bị đội lên do hầu hết fan phải mua tư cách hội viên fan club chính thức (khoảng 22.000 won), cách duy nhất để có quyền truy cập vào đợt bán trước cho người hâm mộ.

Đặc biệt, mức giá quá cao của một số ghế xa nhất tại mái vòm, bao gồm tầng 3 và tầng 4, khiến nhiều người bức xúc, gọi đây là phương thức "bán vé bóc lột".

Không dừng lại ở đó, công ty quản lý Pledis Entertainment còn đưa ra quy định "xổ số" cho đợt bán trước. Những người hâm mộ sẽ bốc thăm để giành cơ hội mua vé.

Tuy nhiên, những người được chọn phải trả tiền mua vé trước khi được chỉ định chỗ ngồi. Nói một cách đơn giản, sau rất nhiều bước phức tạp và tốn kém, fan vẫn không thể biết chỗ ngồi của mình cho đến sau khi thanh toán xong tiền vé.

Sau khi thanh toán, nếu không hài lòng với chỗ ngồi chỉ định, người hâm mộ chỉ còn cách hủy giao dịch và phải trả thêm phí hủy vé.

Sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch, concert của các idol Kpop đã sôi động và hoành tráng trở lại. Tuy nhiên, người hâm mộ chưa kịp vui mừng đã phải chán nản, bức xúc vì giá vé quá cao, trải nghiệm đáng thất vọng và rất nhiều sự cố không mong muốn khác.

Mua vé VIP nhưng chỉ thấy tay

Hồi tháng 4, cư dân mạng xôn xao sau thông tin một luật sư người Malaysia đang kiện đơn vị tổ chức concert của nhóm nhạc Kpop Blackpink.

Luật sư Nas Rahman đã mua hai vé cho buổi biểu diễn của nhóm ở Kuala Lumpur trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới "Born Pink". Tuy nhiên, vào ngày diễn ra concert, anh phát hiện ra rằng một trong hai chỗ ngồi mà mình đã trả tiền không hề tồn tại.

Rahman đã phải đứng trong suốt 2 tiếng đồng hồ của buổi biểu diễn.

Bất chấp những nỗ lực đàm phán của nhà tổ chức chương trình, Live Nation và Go Live, để được hoàn lại tiền và một số khoản bồi thường khác, Rahman quyết định kiện họ, đòi khoản bồi thường lên tới 218.000 USD.

Trải nghiệm của Rahman không phải là trường hợp cá biệt, với những lời phàn nàn tương tự cũng xuất hiện sau buổi biểu diễn tại Singapore của Blackpink vào ngày 13/5.

Sau khi đêm diễn kết thúc, người hâm mộ đã chia sẻ trải nghiệm đáng thất vọng lên mạng, phàn nàn rằng họ hầu như không thể nhìn thấy sân khấu.

Một người đã mua vé VIP với giá gần 300 USD cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến xem một concert và không thấy gì ngoài những cánh tay".

Một người khác viết: "Tôi đã trả 300 USD để xem Blackpink từ điện thoại của những người khác".

Giá vé buổi biểu diễn hồi tháng 3 của nhóm Tomorrow X Together là 154.000 won (116 USD) cho ghế thường và 198.000 won (150 USD) cho ghế VIP.

Đầu tháng 5, phương tiện truyền thông MRG Online của Thái Lan đưa tin giá trung bình của vé xem concert Kpop được bán tại địa phương trong năm nay là khoảng 5.270 baht (152 USD), tăng gần 18% so với mức giá trung bình 4.470 baht (129 USD) vào năm 2019 và tăng 60% so với năm 2013.

Người hâm mộ Thái Lan phẫn nộ đã đưa vấn đề này lên Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng. Fan của nhóm nhạc nam Stray Kids nêu bức xúc vào tháng 10/2022, cho rằng vé của các concert của nhóm, cao nhất là 8.500 baht (245 USD), là quá đắt.

Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết giá vé không nằm trong tầm kiểm soát của họ, giải thích giá "được thiết lập dựa trên sự đồng thuận giữa người bán và người tiêu dùng".

Giá vé cao hơn cũng là một vấn đề đang diễn ra ở Hàn Quốc.

Một vé cho buổi biểu diễn hồi tháng 3 của nhóm Tomorrow X Together được tổ chức tại KSPO Dome là 154.000 won (116 USD) cho ghế thường và 198.000 won cho ghế VIP. Concert độc lập đầu tiên của nhóm được tổ chức vào năm ngoái tại Seoul đã cháy vé với giá 132.000 won/vé (100 USD).

Concert Kpop đắt nhất năm ngoái tại Hàn Quốc là buổi biểu diễn của Blackpink được tổ chức vào tháng 10 tại KSPO Dome, bán vé trọn gói với mức giá 154.000-264.000 won (116-200 USD). Buổi biểu diễn năm 2018 của nhóm được tổ chức tại cùng địa điểm có giá 110.000 won/vé (83 USD).

Người hâm mộ phàn nàn rằng các hãng thu âm đang lợi dụng sự ủng hộ của họ dành cho nghệ sĩ.

Áp lực tài chính đè nặng lên vai fan Kpop vì mua vé mới chỉ là bước đầu tiên để đến được concert của thần tượng.

Light-stick, vật dụng bắt buộc phải có để thưởng thức trọn vẹn buổi biểu diễn, tiếp tục tiêu tốn 20.000-50.000 won (15-38 USD) của người hâm mộ. Một số người cho biết thường xuyên phải thay mới light-stick vì các tính năng được cập nhật liên tục.

Sử dụng một phiên bản cũ, bạn sẽ trở nên lạc loài giữa biển màu cổ vũ idol.

Ai chịu thiệt hại cuối cùng?

Bất chấp giá vé tăng cao, người hâm mộ vẫn trả tiền, trở thành mục tiêu dễ dàng của những kẻ phe vé.

Phe vé luôn tồn tại trong thế giới của các buổi hòa nhạc, nhưng hiện tượng này đã phát triển cả về quy mô và số lượng, đến mức chịu sự kiểm soát của pháp luật ở nhiều nơi.

Đài Loan (Trung Quốc) gần đây đã thông qua quy định trừng phạt những kẻ trục lợi bất chính. Việc sửa đổi được đưa ra sau khi vé cho concert tại Cao Hùng của Blackpink tăng cao tới 13.000 USD, gấp gần 45 lần giá vé ban đầu.

Việc sửa đổi quy định rằng bất kỳ ai cố gắng bán vé với giá cao hơn mức ban đầu sẽ bị phạt tiền tối đa gấp 50 lần giá vé, thậm chí quy định phạt tù dưới 3 năm với những người bị bắt quả tang giật vé bất hợp pháp thông qua các chương trình tự động.

Một số nghệ sĩ muốn tự giải quyết vấn đề, trong đó ca sĩ IU là một trong số những người đã thực hiện biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Đối với concert Golden Hour của cô được tổ chức tại Seoul vào tháng 9 năm ngoái, công ty quản lý của nữ ca sĩ đã hạn chế tất cả giao dịch bán vé bên ngoài nền tảng chính thức.

Công ty cũng đưa thủ phạm vào danh sách đen, loại bỏ khỏi fandom và cấm đến các concert trong tương lai.

Hybe giới thiệu hệ thống định giá mới với chuyến lưu diễn ở Mỹ của thành viên BTS Suga.

Trong khi đó, một số công ty giải trí đang xem xét cái gọi là hệ thống định giá động (dynamic pricing system). Định giá động cho phép giá vé dao động dựa trên nhu cầu.

Hybe đã giới thiệu hệ thống định giá mới với chuyến lưu diễn ở Mỹ của thành viên BTS Suga. Một người hâm mộ trên Twitter cho biết cô đã trả 867 USD cho một vé, cao hơn gấp đôi giá mở bán là 350 USD, trong khi một người khác tuyên bố đã thấy giá tăng lên gần 1.000 USD.

Nhiều nhà phê bình cho rằng các công ty nên thận trọng hơn trong việc áp dụng hệ thống này. Nhà phê bình nhạc pop Hàn Quốc Kim Heon-sik nói với The Korea Herald rằng cách làm của Hybe sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

"Người hâm mộ phải trả tiền mù quáng để mua vé và khi làm như vậy, họ sẽ cạnh tranh với nhau. Hệ thống buộc họ phải quay lưng lại với những người hâm mộ khác và cuối cùng là quay lưng lại với chính nghệ sĩ của mình", Kim giải thích.

Khi Tour Data tuyên bố Suga là rapper châu Á có doanh thu concert cao nhất lịch sử Mỹ, một người hâm mộ cho biết cô cảm thấy "ái ngại" về thành tích này.

"Thật buồn khi nhiều người hâm mộ có khả năng mắc nợ chỉ vì muốn mua vé, xem concert của thần tượng".

Lựa chọn của Hype có thể sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong toàn ngành.

"Trong Kpop, khi một công ty bắt đầu cái gì đó mới, những công ty còn lại có xu hướng làm theo. Vì vậy, có khả năng định giá động sẽ trở nên phổ biến hơn, nhưng tôi lo lắng rằng nó sẽ gây hại cho ngành", nhà phê bình nhạc pop Jung Min-jae cho biết.

Nhiều công ty chỉ đang nhìn thấy lợi nhuận trước mắt. "Giá vé tăng cao sau đại dịch sẽ đè nặng áp lực lên nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ trước đây có thể bán hết vé concert, nhưng nay không thể vì giá vé tăng chóng mặt. Đã đến lúc các công ty phải giải quyết vấn đề, cần xem xét điều gì tốt cho nghệ sĩ về lâu dài", Jung cảnh báo.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fan-kpop-dang-bi-boc-lot-nhu-the-nao-post1434927.html