F0 tại TP.HCM: 'Ngón tay tôi co chặt từng cơn sau khi mắc bệnh'

Sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của Covid-19, chị Mai Hồng nhanh chóng sốt cao và không thể làm việc và sinh hoạt như mọi ngày.

Ngày thứ 2 sau khi biết mình mắc Covid-19, chị Mai Hồng, 29 tuổi, trú tại quận 10 (TP.HCM), bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn nhiệt độ cơ thể đã tăng lên nhanh chóng.

39,5 độ C. Con số hiện lên trên chiếc nhiệt kế điện tử sau giấc ngủ dài của chị Hồng. Mới đêm hôm trước, con số này vẫn chỉ dừng ở 38,2 độ C.

Việc đầu tiên sau khi tỉnh giấc, chị Hồng cố tự lấy cho mình một ly nước với hy vọng làm dịu cảm giác đau rát nơi cổ họng. Bỗng nhiên, các ngón tay của chị co chặt lại, ly nước rơi xuống và làm ướt hết chiếc điện thoại đặt trên bàn. Dù nỗ lực, chị thậm chí không thể nhặt chiếc điện thoại của mình ra khỏi vũng nước.

Các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, chị Hồng cùng chồng và em gái quyết định làm việc online tại nhà và hạn chế ra ngoài cũng như tiếp xúc với người khác. Do đã chuẩn bị từ đầu, cuộc sống của gia đình gần như không bị ảnh hưởng.

Dẫu vậy, khi dịch lan rộng khắp thành phố, điều không ai mong muốn cuối cùng cũng đến. Chị Hồng bất ngờ có biểu hiện hắt hơi và đau họng. Chỉ sau một buổi chiều, tối cùng ngày, chị Hồng bắt đầu lên cơn sốt. Đêm hôm đó, thân nhiệt chị đo được là 38,2 độ C.

“Lúc đó, tôi biết chắc mình đã nhiễm SARS-CoV-2 vì cảm cúm thông thường cũng không diễn biến nhanh như vậy. Dù sao, tôi cũng không quá lo lắng vì từng xem nhiều video các bạn du học sinh tự điều trị tại nhà. Tôi tin mình sẽ sớm khỏi nên quyết định cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thở, súc họng nước ấm và xông mặt cho dễ chịu hơn”, chị Hồng chia sẻ.

Như một điều tất yếu, chồng và em gái của chị Hồng cũng lần lượt có kết quả test nhanh dương tính với nCoV ngay sau đó. Tuy nhiên, cả gia đình đều giữ được tinh thần rất lạc quan.

Ba ngày đầu tiên, tình trạng sốt của chị Hồng xuất hiện theo đợt, cảm giác đau họng dữ dội và một số triệu chứng chưa từng trải qua. "Cũng trong khoảng thời gian này, 2 lần/ngày, các ngón tay của tôi co chặt lại", chị Hồng chia sẻ.

Dẫu vậy, chị vẫn gượng dậy làm việc những lúc sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4, chị Hồng bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, choáng váng hơn. Lúc này, chỉ có thể nằm một chỗ và đi lại khi cần.

May mắn, chồng của chị Hồng đã được tiêm một mũi vaccine nên không xuất hiện nhiều triệu chứng. Anh cũng là người trực tiếp nấu cháo, chườm khăn và chăm sóc vợ trong những lúc chị mệt mỏi nhất.

Sự hỗ trợ từ "bác sĩ online"

Ngày hôm sau, khi cơn sốt có chiều hướng giảm nhẹ, chị Hồng bắt đầu lên mạng, tìm và tham gia vào nhóm dành cho F0 tự theo dõi tại nhà. Tại đây, chị may mắn liên lạc được với bác sĩ Nguyễn Lê Nhật Anh.

“Tôi gửi kết quả test nhanh của mình và nhờ bác sĩ tư vấn. Thời gian sau đó, bác sĩ liên tục động viên và hỗ trợ khi tôi gặp vấn đề. Uống thuốc gì, không uống gì, bác sĩ đều giải đáp khiến tôi tự tin hơn rất nhiều. Bác sĩ cũng thường xuyên dặn dò tôi ăn uống đủ chất để nhanh phục hồi”, chị Hồng kể lại.

 Nhìn được vạch mờ trên test nhanh, bác sĩ động viên chị Hồng sẽ sớm khỏi bệnh. Ảnh: NVCC.

Nhìn được vạch mờ trên test nhanh, bác sĩ động viên chị Hồng sẽ sớm khỏi bệnh. Ảnh: NVCC.

Tới đêm ngày thứ 5 và ngày thứ 7, tình trạng sốt quay trở lại. Chị Hồng còn cảm nhận nhận được rõ ràng sự ớn lạnh, nhức tay và khó ngủ. Đặc biệt, chị bắt đầu mất vị giác, khó chịu vùng bụng và sợ ăn. Tuy nhiên, với sự động viên từ bác sĩ Nhật Anh, chị Hồng nhanh chóng lấy lại tinh thần. Qua giải thích, chị hiểu rằng tải lượng virus trong cơ thể mình đã giảm xuống nhiều.

Chị Hồng chia sẻ: “Với người mắc Covid-19, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cố gắng ăn đủ, tập thở mỗi ngày. Tôi thường cố ngồi thẳng lưng, hít sâu, thở chậm hoặc nằm sấp để dễ chịu hơn. Ngoài ra, yếu tố tinh thần cũng rất cần thiết. Ngoài bác sĩ, mẹ và bác tôi thường xuyên động viên khiến tôi giữ được tâm trạng tích cực”.

Theo chị Hồng, suốt thời gian điều trị bệnh, chị hoàn toàn không đọc báo và theo dõi số ca tử vong vì lo sẽ khiến tâm trạng xấu đi. Chị Hồng quyết giữ tâm lý “chắc chắn sẽ khỏi” và cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt điều độ.

“Những lúc gặp vấn đề bất thường, tôi lại hỏi bác sĩ và nhận được thêm câu nói ‘sắp khỏi rồi’. Khi đó, nhờ bác sĩ tư vấn online mà tôi có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn”, chị Hồng tâm sự.

 Chị Hồng và gia đình chỉ sử dụng một số loại thuốc cơ bản trong suốt quá trình điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC.

Chị Hồng và gia đình chỉ sử dụng một số loại thuốc cơ bản trong suốt quá trình điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC.

Đến ngày thứ 10, chị Hồng chính thức có kết quả âm tính với nCoV sau khi test nhanh. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi vẫn chưa dứt hẳn. Bốn ngày sau, việc ăn uống ngon miệng trở lại, chị Hồng phục hồi nhanh chóng.

“Những ngày cuối của bệnh, tôi mệt mỏi và rất khó ngủ. Nhưng không sao hết. Tôi nghĩ tinh thần tích cực trong những ngày này rất quan trọng. Ngoài ra, chồng tôi, nhờ đã tiêm một mũi vaccine, bệnh chỉ như thoáng qua. Do đó, mọi người nếu được thì nên tiêm vaccine sớm nhất có thể”, chị Hồng nhắn nhủ.

Người sống một mình cần làm gì khi mắc Covid-19? Những người không sống cùng gia đình khi mắc Covid-19 nên được điều trị tập trung hoặc cần có sẵn thông tin liên lạc với nhân viên y tế khi cần.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/f0-tai-tphcm-ngon-tay-toi-co-chat-tung-con-sau-khi-mac-benh-post1259453.html