EU khó lấp đầy khoảng trống viện trợ
Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo về 'những năm khó khăn' sắp tới khi nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng nhưng tình trạng tài chính lại eo hẹp.
Khoảng trống không chỉ đến từ Mỹ
Việc giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã thu hút sự chú ý, nhưng việc cắt giảm "rất đáng tiếc" trong ngân sách viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang góp phần tạo ra khoảng trống hỗ trợ cho những người nghèo ở các quốc gia trên thế giới.
Bà Isabella Lovin - Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Nghị viện châu Âu cho biết, việc cắt giảm USAID sẽ gây ra "hậu quả rất nghiêm trọng trên toàn thế giới", nhưng các quyết định cắt giảm ngân sách viện trợ gần đây của các quốc gia thành viên EU là một điều "rất đáng tiếc" và "sai lầm". Bà Lovin cho rằng, EU sẽ không thể lấp đầy khoảng trống này.

Một trung tâm phân phối lương thực của Liên hợp quốc tại Pibor, Nam Sudan.
“Nếu chúng ta đang nghĩ về an ninh và ổn định toàn cầu thì EU và các quốc gia thành viên cần đầu tư vào dân chủ, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cộng đồng và công dân ở các nước đang phát triển. Đó là cách ngăn ngừa xung đột và ngăn ngừa di cư không tự nguyện và bất ổn mà chúng ta không muốn thấy” - bà Lovin cho biết.
Đức - nhà tài trợ lớn nhất trong EU đang cắt giảm ngân sách viện trợ của mình theo một thỏa thuận liên minh được công bố vào tuần trước. Theo Concord - một nhóm các tổ chức phi chính phủ về phát triển, Chính phủ Đức đã cắt giảm 1,6 tỷ euro ngân sách viện trợ vào năm 2023 và cắt giảm thêm 1 tỷ euro vào năm 2024.
Concord cho biết thêm, Pháp, Italy và Tây Ban Nha cũng nằm trong số phần lớn các quốc gia EU đã cắt giảm viện trợ phát triển vào năm 2024 so với những năm trước. Và bên ngoài EU, Vương quốc Anh đang trên đà đưa ngân sách viện trợ xuống mức thấp nhất kể từ khi có hồ sơ, dự kiến quốc gia này chỉ chi 0,23% thu nhập quốc dân vào năm 2027.
Bà Charlotte Slente - Tổng Thư ký Hội đồng tị nạn Đan Mạch (DRC), một trong những tổ chức phi chính phủ lớn ở châu Âu đã thúc giục Chính phủ Anh cân nhắc lại quyết định cắt giảm ngân sách viện trợ để tài trợ cho quốc phòng. Bà Slente cho biết: "An ninh không chỉ là phần cứng, an ninh còn là sức mạnh mềm. Và nếu không đầu tư vào các vấn đề nhân đạo và hỗ trợ cho những nhóm dân số đang cần, chúng ta có thể chứng kiến nhiều cuộc xung đột, nhiều người di cư và nhiều bất ổn hơn".
Theo bà Slente, bà đã thấy trước "những năm khó khăn" sắp tới khi nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng nhưng lại gặp phải tình trạng tài chính eo hẹp. DRC đã dự báo sẽ có thêm 6,7 triệu người phải di cư vào cuối năm 2026, tăng thêm 122,6 triệu người trên toàn thế giới đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bất ổn chính trị hoặc thảm họa do biến đổi khí hậu.
Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đóng băng ngay lập tức 90 ngày đối với mọi khoản viện trợ nước ngoài của nước này, bao gồm hơn 40 tỷ USD cho các dự án quốc tế thông qua USAID. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ là nhà viện trợ lớn nhất thế giới, quốc gia này đã chi 65 tỷ USD cho viện trợ phát triển chính thức vào năm 2023, chiếm 0,24% thu nhập quốc dân.
Cần tìm lại mục tiêu ban đầu
Đối với DRC, tác động là ngay lập tức. USAID đã cung cấp 1/5 nguồn tài trợ, đóng góp cho 24 trong số 40 chương trình viện trợ, chẳng hạn như hỗ trợ tiền mặt cho những người đói ở Sudan, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Cameroon và rà phá bom mìn ở Colombia.
Kể từ khi bị cắt giảm, tổ chức phi chính phủ này đã phải sa thải 1.400 người, "nhiều người trong số họ bị đẩy vào các thị trường lao động - nơi không dễ tìm được việc làm mới". DRC ước tính rằng, 2 triệu người sẽ không được tiếp cận với viện trợ do hậu quả của việc cắt giảm USAID. "Đây là điều chưa từng có trong lịch sử 70 năm của tổ chức chúng tôi khi USAID bị cắt giảm theo cách này" - bà Slente nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về “khoảng trống lớn” mở ra giữa viện trợ khẩn cấp và các chương trình phát triển kinh tế, có thể khiến hàng triệu người nghèo bị gạt sang một bên.
Trong khi đó, bà Lovin lại chỉ trích việc chú ý vào viện trợ hướng đến việc tiếp cận nguyên liệu thô, năng lượng và kiểm soát di cư, cụ thể là cửa ngõ toàn cầu của EU. Ra mắt vào năm 2021, cửa ngõ toàn cầu này đặt mục tiêu huy động 300 tỷ euro từ các quỹ công và tư trong 5 năm để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển.
"Một số dự án như thế này có thể tốt, nhưng không thể thực hiện các dự án này ở các khu vực và quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, cũng như các quốc gia kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương nhất. Vì không có sự bảo đảm đầu tư, do đó sẽ không thu hút được các doanh nghiệp" - bà Lovin nói.
Bà Isabella Lovin - Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Nghị viện châu Âu cho biết, hợp tác phát triển của châu Âu "thực sự cần phải quay trở lại nguồn gốc của nó để thực sự hoạt động lâu dài về xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho người dân và xem xét nhu cầu cụ thể của họ chứ không phải nhu cầu của nhà tài trợ". Bà Lovin kêu gọi EU làm việc về các chủ đề như dân chủ, bình đẳng giới, sức khỏe tình dục và sinh sản - "những điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối về mặt tư tưởng".
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/eu-kho-lap-day-khoang-trong-vien-tro-10304483.html