EU đạt được thỏa thuận quản lý ChatGPT và các công cụ AI khác
Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được một thỏa thuận về các quy định quản lý toàn diện nhất đối với trí tuệ nhân tạo (AI) ở thế giới phương Tây. Nội dung thỏa thuận này là nền tảng để xây dựng Đạo luật AI của EU và đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu mới cho các nước đang tìm cách khai thác lợi ích tiềm năng của công nghệ AI, đồng thời cố gắng kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn, như tự động hóa việc làm, truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và gây đe dọa an ninh quốc gia.
Sau hơn 37 giờ đàm phán, hôm 9-12, các đại biểu của Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận về các quy định kiểm soát các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google, có khả năng sản xuất nội dung theo mệnh lệnh của người dùng.
Thierry Breton, Cao ủy thị trường nội khối của EU, cho biết, thỏa thuận này tạo ra sự cân bằng giữa nhu cầu thúc đẩy đổi mới và bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
“Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc tận dụng tối đa tiềm năng AI để hỗ trợ thực thi pháp luật đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản của công dân”, ông nói vào hôm 9-12.
Breton tiết lộ, các nhà đàm phán đã đồng ý cho phép công cụ AI quét khuôn mặt trực tiếp nhưng kèm các biện pháp bảo vệ và miễn trừ. Chẳng hạn, thỏa thuận mới đạt được sẽ cấm công cụ AI quét sinh trắc học để phân loại con người theo các đặc điểm nhạy cảm, chẳng hạn niềm tin chính trị hoặc tôn giáo, khuynh hướng tình dục hoặc chủng tộc. Các quan chức EU thừa nhận, đây là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất trong cuộc đàm phán.
Dự thảo luật quản lý AI của EU áp dụng các hình phạt tài chính đối với các công ty AI vi phạm các quy định, với mức phạt lên tới 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu của họ, tùy thuộc vào hành vi vi phạm và quy mô của công ty.
Thỏa thuận trên đạt được đưa ra tại một phiên họp hôm 8-12 sau cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài gần hai ngày. Trong cuộc họp, một số nhà đàm phán ngủ gật trong hội trường trong khi những người khác tranh luận về chủ đề nhạy cảm nhất là hạn chế công nghệ quét khuôn mặt trực tiếp ở nơi công cộng.
Điểm đàm phán khó khăn nhất là hạn chế các công cụ AI nhận dạng sinh trắc học trực tiếp đến mức nào. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu cho một lệnh cấm hoàn toàn vào mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, các nước EU đã thúc đẩy việc miễn trừ lệnh cấm này đối với an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Cuối cùng, hai bên đã đồng ý sử dụng công nghệ AI ở mức hạn chế ở những không gian công cộng và kèm theo các biện pháp bảo vệ.
Thỏa thuận trên sẽ được đưa vào Đạo luật AI của EU và vẫn cần được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn. Thỏa thuận đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với chính sách quản lý AI, một công nghệ đang phát triển nhanh chóng tạo ra những cơ hội kinh tế lẫn thách thức về mặt xã hội.
Các cuộc thảo luận khó khăn nhấn mạnh cuộc tranh luận về việc quản lý AI đã trở nên gây tranh cãi như thế nào, và đã gây chia rẽ các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các nhà điều hành công nghệ khi các công cụ AI tiếp tục bùng nổ về mức độ phổ biến.
Các quan chức EU sẽ cần giải quyết một số chi tiết trong thỏa thuận vào những tuần tới, nhưng họ phần lớn đã đồng ý thiêt lập các quy tắc xung quanh AI tạo sinh, gồm các yêu cầu minh bạch cơ bản đối với bất kỳ nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn nào.
EU, giống như các chính phủ khác bao gồm Mỹ và Anh, gặp khó khăn trong nỗ lực tìm ra sự cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ các công ty khởi nghiệp AI, như Mistral AI của Pháp và Aleph Alpha của Đức, và chống lại những rủi ro xã hội tiềm ẩn của công nghệ AI.
Một số nước EU bao gồm Pháp và Đức phản đối các quy định quản lý quá mức các hệ thống AI công cộng (phục vụ người dùng phổ thông) vì cho rằng điều này sẽ gây bất lợi một cách không cần thiết cho các công ty AI trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ phân tích cẩn thận thỏa thuận hôm nay và đảm bảo trong những tuần tới rằng, nội dung của nó này sẽ giúp củng cố năng lực của châu Âu trong việc phát triển AI và duy trì quyền tự chủ chiến lược của khu vực”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Pháp Jean-Noel Barrot cho biết trong một tuyên bố.
Các quy định mới của EU sẽ được theo dõi chặt chẽ trên toàn cầu. Chúng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các nhà phát triển AI như Google, Meta, Microsoft và OpenAI mà còn các doanh nghiệp khác dự kiến sẽ sử dụng công nghệ này trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và ngân hàng. Các chính phủ cũng đang chuyển sang sử dụng AI trong tư pháp hình sự và phân bổ phục lợi công cộng.
Đạo luật AI của EU sẽ có sự tham gia của các cơ quan quản lý ở 27 nước thành viên và đòi hỏi tuyển dụng các chuyên gia mới vào thời điểm ngân sách của các chính phủ trong khu vực đang eo hẹp. Những thách thức pháp lý có thể xảy ra khi các công ty kiện các quy định. Các luật của EU trước đây, bao gồm Quy định bảo vệ dữ liệu chung, bị chỉ trích vì được thực thi không đồng đều.
“Năng lực quản lý của EU đang bị nghi ngờ. Nếu không có sự thực thi mạnh mẽ, thỏa thuận này sẽ không có ý nghĩa gì”, Kris Shrishak, thành viên cấp cao tại Hội đồng tự do dân sự Ireland, người đã tư vấn cho các nhà lập pháp châu Âu về Đạo luật AI, nói.
Theo Bloomberg, NY Times