E-magazine Làng thanh niên '2 không, 2 có' 'Trợ lực' xây dựng nông thôn mới-Kỳ cuối: Thực chất và bền vững

Trong 110 làng đã ra mắt mô hình, 87 làng đạt tiêu chí “không có thanh niên thất nghiệp”; 107 làng đạt tiêu chí “không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước”; 99 làng đạt tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, 102 làng đạt tiêu chí “có mô hình thanh niên phát triển kinh tế”.

Đến nay, huyện Kbang đã ra mắt mô hình tại 18 làng, trong đó có 3 làng cấp huyện và 15 làng cấp xã. Qua rà soát, 3 làng đạt đủ 4 tiêu chí “2 không, 2 có”; các làng còn lại đạt 2-3 tiêu chí. Chị Đinh Thị Toại-Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện-cho biết: Huyện tiếp tục kết nối các doanh nghiệp để tạo việc làm cho thanh niên. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, hình thức tập hợp, vận động nhằm khơi dậy ý chí khởi nghiệp của thanh niên; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm; huy động nguồn lực trao tặng sinh kế, giúp thanh niên khó khăn có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Làng thanh niên “2 không, 2 có” Dơk Lăk (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) ra mắt từ năm 2020 song đến nay còn gặp khó khăn với tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Anh Rơ Mah Kiên-Bí thư Chi Đoàn kiêm Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên làng Dơk Lăk-thông tin: “Nguyên nhân là do lãnh đạo Chi hội Thanh niên làng thường xuyên thay đổi. Từ khi ra mắt mô hình đến nay, làng đã thay 3 chi hội trưởng chi hội thanh niên. Mình mới tiếp nhận nhiệm vụ 3 tháng nay nên vẫn cần thời gian để nắm bắt tình hình cũng như có giải pháp phù hợp để tập hợp, thu hút thanh niên”.

Mặc dù đã được công nhận làng thanh niên “2 không, 2 có” đạt chuẩn cấp tỉnh, song Hội LHTN Việt Nam xã Biển Hồ, Chi hội thanh niên làng Ia Nueng vẫn quan tâm duy trì nhằm đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí. Chị Trần Thị Hoài Thương-Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Biển Hồ-cho biết: “Việc giữ vững các tiêu chí trong mô hình đồng nghĩa với giữ vững các tiêu chí trong xây dựng làng nông thôn mới và góp phần tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Do đó, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam xã chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế cho thanh niên trong làng; phối hợp với Công an xã để tuyên truyền thanh niên tuân thủ quy định pháp luật; động viên thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tập luyện và tham gia giao lưu, biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện do địa phương tổ chức”.

Đầu năm 2024, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn đầu triển khai mô hình. Qua phân tích nguyên nhân của từng tiêu chí chưa đạt, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các chỉ tiêu, phương pháp đánh giá cũng như đề ra các giải pháp cụ thể để xây dựng mô hình hiệu quả hơn.

“Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, cán bộ Hội chủ chốt trong quá trình chỉ đạo, triển khai. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và duy trì mô hình; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có mô hình hay, cách làm đạt hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng. Phát huy vai trò người có uy tín, nhất là người có uy tín trong thanh niên tham gia xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”-anh Đỗ Đức Thanh đúc rút một số kinh nghiệm trong xây dựng và nhân rộng mô hình.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh, từ năm 2019 đến nay, tổ chức Hội các cấp trong toàn tỉnh đã tổ chức 180 đợt tình nguyện tại các làng được chọn ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”; thực hiện 174 công trình, phần việc thanh niên; xây dựng và duy trì hiệu quả 116 tuyến đường thanh niên tự quản; hỗ trợ 52 mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, 100% Ủy ban Hội cấp huyện chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; mục đích, ý nghĩa và nội dung cốt lõi Chỉ thị số 1212-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”; vận động thanh niên người DTTS tham gia xóa bỏ các tập tục lạc hậu; truyền thông về Luật Hôn nhân và gia đình, phòng-chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hàng ngàn thanh niên.

Song song đó, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư, đời sống của thanh niên; tổ chức 32 hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho thanh niên… Đặc biệt, qua hơn 5 năm triển khai mô hình, chi hội thanh niên các làng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và động viên kịp thời của cấp ủy các cấp.

Từng là Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku, anh Phan Minh Đức-Bí thư Đảng ủy xã Biển Hồ hiểu rõ mô hình, dành sự quan tâm chỉ đạo triển khai kể từ khi mô hình ra mắt làm điểm tại làng Ia Nueng. Bí thư Đảng ủy xã Biển Hồ cho rằng, để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, Ủy ban Hội LHTN các cấp cần đánh giá, định hướng kịp thời hàng tháng, hàng quý. Mặt khác, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần tổ chức thêm nhiều hoạt động tham quan mô hình, cách làm hay để những đơn vị chưa đạt đủ tiêu chí học tập, áp dụng.

Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm đến việc triển khai, nhân rộng mô hình này. Huyện ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn-Hội triển khai hội nghị tập huấn và hỗ trợ nguồn lực, định hướng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; khơi dậy tinh thần tích cực của thanh niên, giúp phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng, Hội LHTN Việt Nam các cấp cần xác định rõ việc thực hiện mô hình là nhiệm vụ thường xuyên và phải phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Tổ chức Hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, giúp thanh niên vùng đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Phát huy đầy đủ vai trò “thủ lĩnh” thanh niên. Bên cạnh đó, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các cấp cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong huy động nguồn lực xã hội hóa, trao tặng mô hình sinh kế cho thanh niên; phát huy hiệu quả đội ngũ trí thức trẻ trong việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật sản xuất cho thanh niên người DTTS; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để tập hợp, thu hút thanh niên tham gia... Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để mô hình ngày càng nhân rộng và phát huy hiệu quả.

Làng thanh niên “2 không, 2 có” “Trợ lực” xây dựng nông thôn mới-Kỳ cuối: Thực chất và bền vững

Làng thanh niên “2 không, 2 có” “Trợ lực” xây dựng nông thôn mới-Kỳ 2: Những ngôi làng 4 tiêu chí

Làng thanh niên “2 không, 2 có” “Trợ lực” xây dựng nông thôn mới-Kỳ 1: Nhận thức đúng, hành động đúng

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-thanh-nien-2-khong-2-co-tro-luc-xay-dung-nong-thon-moi-ky-cuoi-thuc-chat-va-ben-vung-post278753.html