Đường xưa có hoa gạo đỏ
Làng tôi trước đây là một ngôi làng nhỏ bé nép mình sau lũy tre xanh, bên ngoài là cánh đồng 'cò bay mỏi cánh'. Bấy giờ, trên con đường đất đỏ dẫn vào làng có trồng ba cây gạo, cây nào cũng to lớn và vững chãi. Dăm bảy đứa trẻ con chúng tôi hay nắm tay nhau dang rộng, đứng vây quanh xem bao nhiêu đứa mới có thể ôm hết gốc gạo già ấy.
Tôi nhớ đến những cây gạo là nghĩ đến màu hoa như ngọn lửa hồng sưởi ấm không gian tháng ba se lạnh và con đường đất đỏ, mỗi khi trời mưa lại trơn trượt và sục lên thứ bùn đỏ quạch, dính chặt vào bánh xe hoặc đôi chân đất. Những buổi mưa phùn dai dẳng, giá rét thấu xương mà phải ra đồng trên con đường ấy là một nỗi niềm trần ai. Thời ấy đi làm đồng là phải đi chân đất chứ làm gì có giày, tất hay ủng để lội bùn. Vào ngày nắng, bụi đỏ cuốn theo gió mù mịt thốc vào mặt người đi nhưng dẫu thế vẫn còn sướng hơn so với việc phải lội bùn đặc quánh và buốt giá đến nhợt cả bàn chân.
Ba cây gạo làng tôi đều cao lớn vững chãi, mang dáng vẻ của những cây cổ thụ, thân mình đầy những u mấu sần sùi và mốc thếch. Người làng tôi mỗi khi bị trẹo chân, sái tay đều mang dao đến đẽo một ít vỏ của thân cây gạo, đem về sao vàng cùng rượu trắng để làm thuốc đắp chỗ đau. Có lẽ bài thuốc này công hiệu quá chừng nên thân cây to là thế mà nhiều chỗ bị bà con đẽo nham nhở nhìn rất “đau”. Lâu lâu chúng cũng liền những “vết thương” ấy cho dù có để lại “sẹo”.
Trên thân cây gạo lớn nhất mãi về sau này vẫn còn treo một cái kẻng làm từ vỏ quả bom. Mỗi khi gõ, tiếng kẻng vang rất xa, từ đầu làng đến cuối làng đều có thể nghe thấy. Tôi nghe nói chiếc kẻng này được treo từ thời chiến tranh, dùng để báo động mỗi khi có máy bay Mỹ đến. Sau này, khi hòa bình lập lại, nó được hợp tác xã sử dụng để thông báo cho bà con nông dân đến sân kho họp tổ hoặc gọi mọi người đi làm đúng giờ.
Con đường đồng lầm bụi đỏ khi nắng và lầy lội trơn trượt khi mưa mấy chục năm về trước với ba cây gạo lớn luôn là con đường đẹp nhất trong lòng tôi. Những cây gạo luôn giống như linh hồn của làng tôi hay bất kỳ một ngôi làng đồng bằng Bắc Bộ nào khác, chúng đứng ở đầu làng để tiễn người đi xa và đón người trở về. Người đi xa, lúc ngang qua gốc gạo là biết mình đã ra khỏi lũy tre làng, sắp xa nhà xa người thân. Còn người trở về, gặp gốc gạo đầu làng đã thấy lòng rộn rã xốn xang như thể đã gặp người quen vậy, biết chân mình sắp được đặt lên thềm ngôi nhà cũ, sắp được ăn bữa cơm thân thuộc trong gian bếp vương đầy khói của nhà mình. Trên quãng đường xa ngái, gốc gạo đầu làng tựa như một chiếc mỏ neo, giữ lòng người lại để thấy hành trình bớt xa, nhớ về dáng cây mờ trong sương khói là nhớ về lối xóm, nhớ về những ấm áp thân thương.
Tháng ba, cây gạo vào thì đẹp nhất. Trên tán cây hàng trăm tuổi, màu hoa đỏ rực rỡ đốt cháy cả không gian, nhìn xa như một ngọn đuốc lớn. Thỉnh thoảng tôi vẫn để cho nỗi nhớ dẫn mình về với con đường đất đỏ, đứng dưới gốc cây khổng lồ, ngước đôi mắt thơ trẻ nhìn lên vòm hoa đang cháy rực, chờ đợi những chiếc đèn lồng hoa đang chao xuống. Tôi nghe thấy tiếng reo cười của mình trong một buổi sớm mai, thấy bước chân hân hoan khi chạy quanh gốc gạo nhặt nhưng bông hoa vừa rơi, xâu lại làm vòng đeo cổ. Cả cái vị ngòn ngọt nhơn nhớt của những cánh hoa đỏ vẫn vẹn nguyên trong vị giác tôi ngay trong thời khắc này.
Dưới gốc gạo làng tôi luôn có một tấm đá xanh nhẵn mịn, to tướng, to bằng mấy tấm chiếu trải ra ghép lại. Tảng đá ấy nhiều lần lũ trẻ chúng tôi không dám ngồi lên vì nghe người lớn nói chỗ đó buổi đêm hay có “những con ma tóc dài” ngồi khóc. Chính “những con ma” đó đã làm cho chúng tôi không bao giờ dám trèo lên cành gạo hái hoa vì sợ. Muốn vô cùng nhưng chỉ dám chờ hoa rụng để nhặt. Mãi sau này khi lớn tôi mới biết do cành gạo rất giòn và dễ gãy nên chuyện ma mới được người lớn kể ra để hạn chế bọn trẻ leo trèo.
Giờ đây, cả ba cây gạo làng tôi đã không còn nữa, dù người dân đã hết sức chăm nom nhưng chúng cứ tự nhiên khô héo dần. Con đường đất đỏ năm nào cũng đã được thay thế bằng một con đường lớn rộng rãi, sạch sẽ và thẳng tắp. Chỗ những cây gạo ngày xưa giờ mọc lên những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy. Tảng đá xanh nhẵn mịn với những câu chuyện huyễn hoặc năm nào chẳng biết đã đi về đâu. Ngôi làng nghèo năm xưa đã trở thành ngôi làng mới hiện đại và tràn đầy sức sống. Thi thoảng tôi vẫn gặp lại những cây gạo cũ, không phải trong giấc mơ mà bằng những tấm ảnh của ai đó vì nhớ nhung mà đăng lại trên mạng xã hội. Và trên một con đường khác, gần cánh đồng hơn, những cây gạo nhỏ đang được trồng mới. Chắc chỉ ít năm nữa thôi người ta sẽ được ngắm lại màu lửa gạo cho dù có thể nó sẽ không được chói chang lộng lẫy như năm nào. Nhưng màu hoa và những tán cây ấy sẽ lại tiếp tục vượt qua mưa nắng để neo giữ những ấm áp thân quen, neo giữ cho lòng người đi xa luôn nhớ đường về chốn cũ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/duong-xua-co-hoa-gao-do-5710147.html