Đường về quê ấm nghĩa đồng bào

Trước nguyện vọng trở về quê của người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, vừa qua tỉnh ta đã cử đoàn công tác đón thành công trên 600 lao động từ một số tỉnh phía Nam hồi hương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp hỗ trợ hàng nghìn công dân ngoại tỉnh về quê đi qua địa phận. Những sự giúp đỡ thiết thực ấy không chỉ giúp người dân thêm ấm lòng, thêm sức khỏe để về đến đích sau hành trình dài mà đó còn viết lên những câu chuyện đẹp đẽ về sự nhân ái, về nghĩa tình đồng bào đậm sâu…

Những suất cơm mang đậm nghĩa tình của người dân Ninh Bình hỗ trợ đồng bào khi lưu thông qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Đón công dân về quê an toàn

Hơn 2 ngày sau khi đoàn tàu SE 12 đưa trên 600 công dân, trong đó có cậu con trai 17 tuổi về quê, gia đình anh Trần Văn Khai (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) vẫn cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, dẫu vẫn chưa thể gặp trực tiếp con trai mình.

Anh Khai chia sẻ, khi được địa phương tuyên truyền, thông báo về kế hoạch đón công dân của tỉnh nhà, vợ chồng anh đã viết đơn gửi ra xã thể hiện nguyện vọng được đón con trở về, sau một thời gian rất dài cháu phải sống nhờ sự cưu mang của người quen ở trong tỉnh Bình Dương. Chỉ sau hơn 1 tuần bắt đầu từ khi làm các thủ tục đầu tiên ấy, giờ thì con trai anh Khai đã có mặt bình an tại quê hương. Hiện tại cháu đang thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung huyện Nho Quan. Sức khỏe và tinh thần của cháu rất tốt.

Nói về kế hoạch của gia đình sau khi con trai hoàn thành thời gian cách ly, anh Khai cho biết thêm, vì con trai anh còn trẻ vì vậy gia đình anh sẽ động viên cháu tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành nghĩa vụ rồi, sẽ định hướng cho cháu học nghề cơ khí ở ngay tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

"Bây giờ khu công nghiệp ở ngay huyện Gia Viễn cũng phát triển mạnh, nếu có tay nghề thì không lo gì thiếu việc làm cả. Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm của tỉnh, của các doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ để con tôi được trở về nhà ở thời điểm khó khăn nhất này"- anh Khai nói.

Con trai anh Khai là 1 trong 603 công dân vừa được đoàn công tác của tỉnh đón về quê trong những ngày vừa qua. Đây đều là những công dân được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên trong tổng số trên 4000 công dân có nguyện vọng được trở về lần này. Chuyến tàu đón công dân về quê đầu tiên của tỉnh đã về ga an toàn. Các công dân đã được kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu test nhanh trước khi phân luồng đi thực hiện cách ly ở 4 điểm cách ly đã được chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, phương án hậu cần và công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Sở là cơ quan được tỉnh giao chịu trách nhiệm đầu mối trong việc thực hiện nhiệm vụ đón công dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 về quê. Vì vậy, chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để chắt lọc những bài học, những kinh nghiệm có giá trị để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn vào bản kế hoạch trong đợt đón công dân lần thứ hai dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.

Đối với những công dân là lao động được đón trở về, sau khi hoàn thành cách ly theo quy định, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu về học nghề, việc làm của công dân. Nếu công dân có mong muốn làm việc và sinh sống tại quê hương thì ngành sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Giúp đồng bào qua hoạn nạn

Cùng với đó, trong những ngày qua, trước tình trạng hàng nghìn công dân ngoại tỉnh về quê tránh dịch đi qua địa phận Ninh Bình, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương bố trí lực lượng, phối hợp hỗ trợ công dân ngoại tỉnh đi qua địa phận.

Công tác tiếp nhận công dân do lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bàn giao được thực hiện tại chốt kiểm soát dịch Dốc Xây (thành phố Tam Điệp).

Tại đây, các lực lượng chức năng đã phân luồng, hướng dẫn nơi dừng nghỉ, hỗ trợ các suất cơm miễn phí, những suất bánh mỳ, sữa, nước để công dân sử dụng trên hành trình tiếp theo. Sau đó, lực lượng chức năng hỗ trợ dẫn đường, vận chuyển công dân đi bộ và phương tiện bị hư hỏng qua địa phận, bàn giao cho tỉnh lân cận. Việc hỗ trợ được phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các công dân, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã chung tay chia sẻ những phần thực phẩm thiết yếu để "trợ sức" cho đồng bào. Anh Hoàng Trung Kiên, đại diện Ban quản lý chùa Bái Đính cho biết: Mỗi ngày, nhà chùa nấu và vận chuyển 800 suất ăn và 800 suất bánh mỳ, sữa đến điểm chốt Dốc Xây để hỗ trợ các công dân.

Các suất ăn được mang tới đây trong 4 thời điểm: 7 giờ sáng, 11 giờ trưa, 17 giờ chiều và 23 giờ đêm. Nhà chùa đã cố gắng lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng để chuẩn bị từng suất ăn với mong muốn phần nào "trợ sức" để công dân có thêm sức khỏe, nghị lực để hoàn thành chặng đường dài phía trước. Khi các suất ăn được mang đến, lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ để phân phát cho bà con. Mọi việc diễn ra với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Các nhà hảo tâm chuẩn bị đồ ăn, thức uống hỗ trợ người dân về qua khi đi qua địa bàn tỉnh.

Cầm suất cơm miễn phí nóng hổi mà lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Bình trao cho, chị Mây- một trong trên 500 công dân đi bộ từ phía Nam trở về không giấu được niềm xúc động. Đây là bữa cơm hiếm hoi của chị sau vài ngày chỉ uống sữa và ăn bánh mỳ.

Không có xe máy, cô gái trẻ tên là Mây vẫn quyết định bỏ lại khát vọng thay đổi cuộc sống ở lại Bình Dương để… đi bộ về với quê nhà Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Hỏi Mây, có biết đường về quê là bao xa không? Cô gái dân tộc Nùng chủ động giữ khoảng cách với chúng tôi rồi bẽn lẽn: Em biết chặng đường ấy là rất xa. Ngày vào Bình Dương em đi ô tô cũng đã phải mất mấy ngày rồi. Bằng đôi chân mình, em không dám nghĩ tới ngày nào sẽ đi hết chặng đường ấy, nhưng em biết rằng mình cần phải về, dẫu đi bao lâu và đi bao xa em cũng vẫn phải về.

Cũng như nhiều công dân khác, Mây vào Bình Dương tìm việc làm để có thu nhập tốt hơn ở quê nhà. Nếu không có dịch COVID-19 thì chắc hẳn với sự chăm chỉ, cần cù, với một khát vọng vươn lên ấy, Mây cũng sẽ cải thiện được cuộc sống cho gia đình mình thôi. Nhưng dịch bệnh đã dập tắt ước mơ của Mây.

Mây kể, em đã sống hoàn toàn bằng số thực phẩm cứu trợ của các đoàn thiện nguyện trong vài tháng qua. Nhưng như Mây nói, mọi nguồn hỗ trợ không thể kéo dài mãi. Trong khi đó thì dịch bệnh vẫn chưa biết đến khi nào mới được đẩy lùi. Những khó khăn mà Mây và nhiều lao động khác phải đối mặtcũng luôn hiện hữu hàng ngày. Mây bảo em quyết định đi bộ về quê sau một đêm suy nghĩ.

Nhưng Mây bảo, nghĩa đồng bào ở khắp mọi nơi. Mây và hàng trăm, hàng nghìn người dân đi bộ về quê đã nhận được sự hỗ trợ khi đi qua mỗi tỉnh, thành phố. Đôi chân trần của Mây không phải đi bộ nhiều, em được các ngành chức năng trong đó có tỉnh Ninh Bình hỗ trợ vận chuyển bằng ô tô đến tận các điểm giáp ranh, tại đó, Mây và các công dân khác lại được các địa phương khác tiếp tục hỗ trợ vận chuyển đi qua địa phận.

"Những chiếc bánh, những suất cơm ăn vội đủ để chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và nhiều năng lượng. Chúng tôi sẽ nhớ mãi sự cưu mang này của đồng bào ở dọc đường chúng tôi đi. Có thể tôi sẽ ở lại quê nhà, lại vất vả nhưng bình yên với nương với rẫy, cuộc sống có thể sẽ nhọc nhằn hơn. Không biết còn dịp nào được trở lại đây không, tôi xin cảm ơn và sẽ nhớ mãi sự giúp đỡ của tỉnh Ninh Bình" - Mây vẫy tay chào và mải mốt lên xe.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/duong-ve-que-am-nghia-dong-bao/d2021100808253945.htm