Đường Vành đai 4 TP.HCM gặp khó về bố trí nguồn vốn
Các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tính chất kết nối các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên các địa phương đang gặp khó khăn khi chưa cân đối được nguồn vốn.
Ngày 20/10, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng quý III/2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho hay, hiện các địa phương đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm nên chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ đến nay, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4, cụ thể: đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 42,4%; đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 45,6%; đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 55,8%; đoạn qua TP.HCM khoảng 48,5%; đoạn qua tỉnh Long An khoảng 39,9%.
Các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, có tính chất kết nối các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Do đó các địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 (tương tự như dự án Vành đai 3).
Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Long An 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án.
Về dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Lâm cho biết, hiện nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc đang rất khó khăn.
Qua khảo sát, nguồn vật liệu cát xây dựng, cát đắp nền cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 80%.
"Cát đắp năm nay cơ bản đáp ứng, tuy nhiên các địa phương không có mỏ cát mới", ông Lâm nói và kiến nghị Thủ tướng chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Ngoài ra kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp như hiện nay.
Về công tác giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Lâm cho rằng, TP phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12.
Hiện các dự án thành phần do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.
Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài khoảng 200km, đi qua địa bàn 5 địa phương gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
Nguồn VTC: https://vtc.vn/duong-vanh-dai-4-tp-hcm-gap-kho-ve-bo-tri-nguon-von-ar828494.html