Đường sắt cao tốc đã lan tỏa gần hết Trung Quốc
Sau 1 thập kỷ tập trung phát triển hạ tầng đường sắt, chi tiêu dành cho đường sắt Trung Quốc đã và đang trên đà sụt giảm.
Tính đến thời điểm này, sau 1 thập kỷ Trung Quốc tập trung phát triển hạ tầng đường sắt, hiện tại, gần như tất cả các thị trấn quan trọng của nước này đều có “chân rết” của hệ thống đường sắt mở rộng.
Do đó, chi tiêu dành cho đường sắt đã và đang trên đà sụt giảm, bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8 vừa rồi.
Cơ quan Hoạch định Kinh tế Trung Quốc cho biết, đầu tư tài sản cố định đường sắt của Bắc Kinh trong cả 8 tháng đầu năm nay là 63 tỷ USD, đánh dấu mức sụt khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, riêng tháng 8, tỉ lệ sụt giảm khá sâu 27,1% so với cùng tháng trong năm 2018, theo tính toán từ tờ báo Bưu điện Hoa Nam dựa trên số liệu chính thức.
Sở dĩ có sự sụt giảm này là bởi sau 10 năm tập trung mạnh vào đầu tư hạ tầng đường sắt, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, chiếm 2/3 tổng số đường sắt cao tốc toàn cầu, do đó không còn nhiều dư địa để tiếp tục đầu tư.
Bà Meng Wei, người phát ngôn Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) cho biết, Trung Quốc đang đi đúng lộ trình để đạt được mục tiêu đầu tư 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 113 tỷ USD)/năm vào chi phí đường sắt.
Bà Meng cho biết, tháng 7 vừa rồi, Ủy ban này đã thông qua một số dự án mới bao gồm một phần tuyến đường từ Zhengzhou đến Jinan với ngân sách đầu tư 40,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,7 tỷ USD) cùng một tuyến từ Heze đến Lankao với ngân sách đầu tư 10,9 tỷ nhân dân tệ.
Theo bà, cơ quan này cũng đã thông qua báo cáo khảo sát tính khả thi đối với tuyến đường sắt tốc độ cao dài 700km kết nối Trùng Khánh và Côn Minh, trị giá 141,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ USD).
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc phát triển các tuyến đường mới tại các khu vực vùng sâu vùng xa, ít phát triển của Trung Quốc có thể không mang lại nhiều hiệu quả trong thúc đẩy phát triển.