Dùng mọi biện pháp thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất

Ngày 2-7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tại TP Cần Thơ, các đồng chí: Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố; Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và đại diện Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, cùng dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh.

Ảnh hưởng của COVID-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, theo Thủ tướng, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Ðó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị, lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực, hoàn thành các dự án trọng điểm cho vùng ĐBSCL, tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án nạo vét kênh Quan Chánh Bố cho tàu biển vào Sông Hậu, đáp ứng tàu có trọng tải 20.000 tấn ra vào, xuất khẩu hàng hóa thuận tiện hơn; bộ, ngành chuyên môn sớm có ý kiến thẩm định và hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trên địa bàn quận Ô Môn do Liên danh Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư; sớm thông báo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thành phố có căn cứ xây dựng kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và chuẩn bị sẵn sàng triển khai thực hiện vào năm 2021...

Thủ tướng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, như: nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời; điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; những biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện Chính phủ, các bộ ngành đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục; đồng thời đưa ra các mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2020. Liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm ra, kiểm soát thị trường; điều hành giá cả với những mặt hàng thiết yếu nói chung, mặt hàng thực phẩm nói riêng; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tích trữ hàng hóa; xem xét giảm giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; duy trì và mở rộng thị trường việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Liên quan đến vấn đề sản xuất, chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm như phối hợp với các địa phương xây dựng giải pháp tổng thể, ứng phó kịp thời tình hình; công tác ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại về con người, sản xuất;…

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu đề xuất tại Hội nghị. Ảnh: H. VĂN

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung thực hiện 2 mục tiêu kép trong quý III và quý IV-2020 là quyết tâm không để dịch COVID-19 quay trở lại đất nước và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vận dụng mọi chính sách ưu đãi từ giảm, miễn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, các địa phương chủ động điều hành, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì việc làm, thu nhập của người dân… Bên cạnh đó, bộ, ngành Trung ương, các địa phương quan tâm kiểm tra, kiểm soát và giải ngân đúng tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Ðặc biệt, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cần đưa ra các giải pháp, chế tài cụ thể để thúc đẩy các địa phương giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn đầu tư công theo kế hoạch. Cán bộ quản lý, phụ trách ở địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA, thì đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chuyển…

Chinhphu.vn - H.VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dung-moi-bien-phap-thuc-day-de-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-nhat-a122924.html