Dừng học thêm, phụ huynh tâm tư
Quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 30/12/2024, thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, nhưng trước đó vài tuần các lớp dạy thêm ở các cấp học đồng loạt dừng hoạt động. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh có ý kiến, tâm tư về việc mong muốn con em được học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức.
Hiện nay, các gia đình có xu hướng cho con học thêm từ rất sớm, giúp bổ trợ kiến thức và nền tảng vững chắc thi vào các trường chuyên, trường điểm. Tuy nhiên, Thông tư 29 quy định, không tổ chức dạy học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Với nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh đang có con theo học bậc tiểu học cho rằng đây là những năm nền tảng, học đuối sẽ không theo kịp tiến độ giáo dục các cấp. Hơn nữa, đối với những phụ huynh bận rộn, việc cho con học thêm là cách giúp trẻ có môi trường học tập an toàn thay vì ở nhà một mình hoặc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ có con học lớp 1 tâm sự: “Kỹ năng truyền tải của tôi không được tốt nên khi dạy cháu không tiếp thu được bài, sức học cũng kém hơn các bạn cùng lớp. Cháu cũng mải chơi, hay xem tivi, điện thoại, không chịu học bài, khiến tôi dễ nổi nóng và quát mắng cháu. Do đó, tôi gửi cháu học thêm tại nhà cô giáo, một phần tăng cường vốn kiến thức cơ bản đồng thời hạn chế việc cháu xem tivi hàng ngày. Tôi vẫn mong ngành giáo dục đưa ra một số phương án hỗ trợ phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học thêm như tôi”.

Học sinh lớp 1 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông học bài sau giờ lên lớp.
Theo Thông tư 29, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà mình đang được nhà trường phân công dạy học. Trong khi kiến thức sách giáo khoa ngày càng khó, vượt quá khả năng hiểu biết của phụ huynh, học thêm vẫn là phương án tối ưu củng cố kiến thức. Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều gia đình cho con học tại các trung tâm uy tín, nhưng vẫn lo ngại do đột ngột thay đổi giáo viên giảng dạy, phải thích nghi với cách dạy mới. Chị Nguyễn Thị Dung, tổ 4, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Nghe tin dừng học thêm tôi rất bất ngờ và lo lắng. Gia đình tôi có 2 cháu, vợ chồng đều đi làm xa, ông bà không quản lí được nên tôi cho các cháu đi học thêm. Khi lớp dừng hoạt động, tôi phải tìm lớp mới tại trung tâm nhưng sợ cháu không quen với cách giảng dạy mới trong khi chỉ còn ít tháng nữa kết thúc năm học”.

Phụ huynh hướng dẫn con ôn bài tại nhà.
Thêm một vấn đề nữa, chi phí học thêm tại các cơ sở kinh doanh, trung tâm dạy học sẽ cao hơn, khiến nhiều người phải đắn đo khi đăng ký cho con học thêm. Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: Vợ chồng tôi đều là viên chức, thu nhập chỉ ở mức trung bình. Nếu cả 2 cháu đều đi học ở trung tâm thì gia đình sẽ phải tốn thêm 1 khoản nữa so với đi học thêm như trước đây.

Giờ học của cô và trò Trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông.
Đối với các trường THCS, THPT trên địa bàn, việc dạy học thêm tại trường cũng tạm dừng. Do Thông tư 29 yêu cầu các trường dạy thêm không thu tiền và chỉ dạy với ba nhóm học sinh: Có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại đối với nhiều bậc phụ huynh, bởi nhà trường vẫn là nơi yên tâm nhất, phí học thêm phù hợp với đa số gia đình. Thế nhưng, nhà trường không có ngân sách để tổ chức học miễn phí, giáo viên không thể dạy thêm mà không có nguồn thu. Hiểu được điều này, thầy giáo Phạm Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Nhà trường đã đề nghị với Sở GD&ĐT, UBND tỉnh sớm ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Đây là căn cứ cho Trường THPT TP. Điện Biên Phủ nói riêng và các trường THPT nói chung thực hiện có hiệu quả Thông tư 29 gắn với chất lượng dạy và học. Đặc biệt, trước mắt là kì thi THPT năm 2025 sắp tới”.

Nhiều học sinh phát huy tinh thần tự học sau giờ lên lớp.
Dù còn nhiều ý kiến, tâm tư song Thông tư 29 vẫn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không ít phụ huynh học sinh và người dân. Đó là thông qua tự học, học sinh có thể tự lập, tự tìm tòi, học thêm trên các phương tiện như: Sách tham khảo, khóa học online,… hoặc tham gia học nhóm, phát huy được khả năng tư duy, hình thành tính chủ động. Các em sẽ có thời gian tham gia hoạt động theo sở thích và có thời gian định hướng tương lai theo niềm đam mê riêng. Chị Nguyễn Thị Hồng Lương, bản Hồng Líu, phường Noong Bua, chia sẻ: “Bé nhà mình trong suốt 4 năm học đều do mình dạy con ở nhà, tuy hơi vất vả nhưng tạo thói quen tốt cho con sau này. Đến bây giờ, con tự sắp xếp, điều chỉnh thời gian học tập sau khi đi học về, xong bài con thoải mái vui chơi cùng các bạn. Vậy nên, tôi thấy việc đi học thêm là không cần thiết”.

Dừng dạy thêm, học thêm với nhiều gia đìnhcó thêm thời gian quây quần bên nhau.
Có thể thấy, dạy thêm, học thêm vẫn luôn là vấn đề nan giải và có không ít ý kiến trái chiều. Thế nhưng, vẫn phải khẳng định rằng, việc đổi mới này sẽ giải quyết được một số mặt tiêu cực đang tồn tại trong nền giáo dục nước nhà. Qua đó, học sinh được đảm bảo lợi ích, công bằng, giáo viên có thêm thu nhập chính đáng, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của phụ huynh.