Đừng để cuộc gọi rác, lừa đảo tồn tại sau chuẩn hóa thông tin

Bạn đọc mong rằng sau khi các thuê bao được chuẩn hóa thông tin sẽ giảm được các cuộc gọi rác, lừa đảo.

Trong tuần qua, thông tin về việc từ ngày 15-5, các nhà mạng bắt đầu khóa hai chiều đối với thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bạn đọc mong muốn sau khi thực hiện xong việc chuẩn hóa thông tin, tình trạng các cuộc gọi rác, lừa đảo sẽ không còn. Đồng thời, một số bạn đã nêu ra những giải pháp để trị nạn SIM rác.

Chuẩn hóa thông tin, cuộc gọi làm phiền vẫn còn

Bạn đọc Thanh Tú bình luận: Theo tôi, việc chuẩn hóa thông tin, loại bỏ SIM rác như hiện nay các nhà mạng đang làm là rất cần thiết. Thế nhưng theo thông tin tôi được biết thì việc chuẩn hóa lần này chỉ khóa những SIM nào nhận được thông báo cần chuẩn hóa từ nhà mạng mà không thực hiện chứ không phải thực hiện chuẩn hóa tất cả. Như trường hợp của tôi, SIM tôi mua từ năm 2012, lúc mua không cần phải đăng ký CMND.

Mới đây, tôi kiểm tra thì mới biết SIM này đứng tên người khác. Như vậy, trường hợp của tôi là SIM không chính chủ nhưng cũng không thuộc trường hợp cần phải chuẩn hóa. Vì thế, tình trạng SIM không chính chủ vẫn còn”.

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại quầy giao dịch của nhà mạng. Ảnh: THU HÀ

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại quầy giao dịch của nhà mạng. Ảnh: THU HÀ

“Việc khóa SIM hai chiều phần nào sẽ hạn chế tình trạng bị làm phiền từ các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo… góp phần bảo vệ người dùng mạng điện thoại. Thế nhưng hiện nay số điện thoại quảng cáo hoặc cuộc gọi thoại từ các đầu số lạ để lừa đảo vẫn còn. Vì thế, Bộ TT&TT, các nhà mạng cần có những giải pháp cụ thể để dẹp tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo” - bạn đọc Phạm Tuấn ý kiến.

Bạn đọc Trần Anh nêu: “Tôi có người quen vay tiền bên ngoài, lúc vay người này có cung cấp số điện thoại của tôi cho bên cho vay tiền. Tháng nào người vay đóng tiền chậm là ngay lập tức tôi bị gọi làm phiền liên tục. Có lần bên cho vay gọi điện thoại khủng bố, xúc phạm thậm chí còn đe dọa tôi trong khi tôi chẳng mượn nợ. Hy vọng khi chuẩn hóa thông tin, cơ quan công an sẽ có giải pháp xử lý quyết liệt những cuộc gọi làm phiền người dân như thế này”.

Cách nào dẹp cuộc gọi rác, lừa đảo?

Bạn đọc Nguyễn Khải ý kiến: “Việc chuẩn hóa thông tin là một cách để trị SIM rác, lừa đảo thế nhưng cần phải kết hợp với nhiều giải pháp khác mới mong dẹp được nạn cuộc gọi rác. Theo tôi, trước tiên nhà mạng không cung cấp SIM tràn lan ra ngoài thị thường và kiểm soát tốt thuê bao để hạn chế SIM rác. Các cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt tình trạng bán thông tin cá nhân tràn lan trên mạng. Đồng thời, cơ quan chức năng phải làm đến nơi đến chốn những tin báo của người dân khi bị khủng bố, làm phiền từ công ty tài chính, công ty đòi nợ thuê…”.

“Theo tôi được biết Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 22/2021 quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Thông tư có hướng dẫn người dân cách báo cuộc gọi, tin nhắn rác, cách đăng ký hoặc hủy đăng ký danh sách không quảng cáo. Vì thế, để góp phần loại bỏ những cuộc gọi rác, bên cạnh việc quản lý của Bộ TT&TT và các nhà mạng thì mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm báo số điện thoại có tin nhắn, cuộc gọi rác đến cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý và thu hồi những số điện thoại rác này” - bạn đọc Khả Doanh ý kiến.

Bạn đọc Hải Âu chia sẻ: “Trước đây, tôi hay nhận những cuộc gọi làm phiền từ công ty tài chính, quảng cáo sản phẩm, thậm chí là cuộc gọi lừa đảo. Thông thường khi nhận nhiều người rất khó chịu và nghe xong một hồi thì cắt ngang và lần sau lại tiếp tục bị làm phiền. Khi nhận cuộc gọi này, trước tiên hỏi người gọi tại sao có số điện thoại của mình và trả lời thẳng không có nhu cầu, nếu lần sau gọi lại là báo cơ quan chức năng, nhà mạng vì đang làm phiền tôi và lần sau họ không gọi nữa. Nếu người nhận cuộc gọi rác cứ dễ dãi nghe điện thoại rồi cho qua thì sẽ nhận được cuộc gọi làm phiền thứ hai, thứ ba. Thay vào đó, chúng ta hãy tỏ thái độ và quyết liệt hơn thì sẽ hạn chế được cuộc gọi làm phiền”.

Bị khóa SIM hai chiều, chính chủ cần làm gì?

Theo kế hoạch, từ ngày 15-4, các nhà mạng bắt đầu khóa hai chiều đối với thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin với CSDL quốc gia về dân cư.

Trong trường hợp bị khóa hai chiều, để được hỗ trợ mở khóa, xác minh thông tin, người dân cần mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu… đến điểm giao dịch của nhà mạng mà mình đang sử dụng để được hướng dẫn.

Tình trạng khóa hai chiều chỉ được hủy bỏ khi chủ thuê bao thực hiện việc cập nhật thông tin trùng khớp với CSDL quốc gia về dân cư. Đây là hành động quyết liệt được Cục Viễn thông và các nhà mạng đưa ra để đảm bảo tất cả thuê bao đều có thông tin đúng quy định. PV

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-cuoc-goi-rac-lua-dao-ton-tai-sau-chuan-hoa-thong-tin-post729040.html