Dùng bản đồ số tuyển sinh đầu cấp, học sinh Hà Nội được học gần nhà
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tính toán để triển khai hệ thống bản đồ số để tuyển sinh trong năm học 2026-2027. Theo đó, học sinh sẽ được đi học trường gần nhà.
Năm học 2025-2026, Hà Nội hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 theo tuyến.
Các nhà trường phối hợp UBND phường, xã, thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn để phục vụ công tác phân tuyến tuyển sinh.
Số liệu điều tra về số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn phải được UBND và Công an phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm về tính chính xác, là cơ sở để Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận, huyện phân tuyến tuyển sinh cho các nhà trường.
Việc phân tuyến tuyển sinh và giao bao nhiêu chỉ tiêu phải phù hợp điều kiện thực tế và cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT phải báo cáo với quận, huyện, Sở GD&ĐT để có phương án, không để xảy ra hiện tượng quá tải cho học sinh ở các trường học.

Hà Nội sẽ đổi mới phân tuyến tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh đưa đón con đi học.
Đối với khu đô thị mới chưa có trường học, Phòng GD&ĐT phải báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh và thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn.
Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở phải quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; con của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang vào các trường công lập.
Thuận lợi cho học sinh, phụ huynh
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang tính toán chuyển đổi số và triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – bản đồ số GIS) dự kiến áp dụng cho năm học 2026-2027. Khi đó, học sinh sẽ được phân tuyến tuyển sinh theo hệ thống định vị của bản đồ số.
“Học sinh sẽ được học trường gần nhà thay vì phân tuyến tuyển sinh theo phường như hiện nay”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Nếu áp dụng bản đồ số để phân tuyến tuyển sinh, sẽ tính toán được khoảng cách từ nhà đến trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh, phụ huynh trong việc đi lại.
Trước đó, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 sẽ phân bổ chỗ học căn cứ vào nơi ở thực tế của học sinh, không phụ thuộc vào ranh giới hành chính.
Học sinh ở cùng một phường nhưng có em được nhận vào trường học trong địa bàn nhưng có em sẽ phải học sang khu vực lân cận, đảm bảo khoảng cách từ nhà đến trường không quá từ 4-7 cây số (không quá 4 cây số đối với trẻ mầm non, tiểu học; không quá 7 cây số đối với học sinh THCS).
TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc ưu tiên học sinh vào trường gần nhà từ năm 2023. Yêu cầu các địa phương bố trí chỗ học cho học sinh gần nhà, thay vì phân tuyến cứng theo phường.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2025-2026, bậc mầm non toàn thành phố sẽ có khoảng 95.000 trẻ vào nhà trẻ; 155.000 học sinh vào lớp 1; 161.000 học sinh vào lớp 9. Năm học này có 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS.