Đức mua toàn bộ lô 35 chiến đấu cơ tàng hình F-35 sản xuất tại Mỹ

Đức quyết định mua 35 chiếc F-35 – máy bay chiến đấu đa chức năng tàng hình, siêu âm được phát triển bởi Công ty Hàng không Lockheed Martin của Mỹ.

Sau khi loại biên các máy bay chiến đấu cũ kỹ của châu Âu và chọn máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ trong một thỏa thuận trị giá 8,8 tỷ USD, Đức hiện đã quyết định chế tạo tất cả các máy bay phản lực F-35 của mình tại cơ sở lắp ráp và kiểm tra (FACO) của Mỹ ở Fort Worth, Texas, thay vì FACO của châu Âu đặt tại Cameri, Italy, trang EurAsian Times đưa tin hôm 10/5.

Đức vào năm 2022 quyết định mua 35 máy bay phản lực F-35 từ Mỹ. Động thái này đánh dấu cao trào trong nỗ lực của quốc gia Tây Âu nhằm thay thế hạm đội Tornado đã cũ kỹ.

Không quân Đức đã sử dụng máy bay phản lực Tornado từ những năm 1980, và có kế hoạch cho những chú chim sắt này “nghỉ hưu” dần dần trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030.

Hạm đội gồm 46 máy bay ném bom chiến đấu Tornado có khả năng kép ở nhiều giai đoạn sẵn sàng khác nhau để hỗ trợ học thuyết chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO. Hiện tại, Tornado cũng là máy bay Đức duy nhất có thể trang bị bom hạt nhân.

Trong khi đó, F-35 là máy bay chiến đấu đa chức năng tàng hình, siêu âm được phát triển bởi Công ty Hàng không Lockheed Martin của Mỹ.

Nó có 3 biến thể, đáng chú ý là máy bay F-35A cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL); máy bay F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và biến thể F-35C dùng trên tàu sân bay (CV).

F-35 có khả năng tàng hình nhờ hình dạng độc đáo của máy bay cũng như lớp phủ đặc biệt khiến radar khó phát hiện. Ảnh: DW

F-35 có khả năng tàng hình nhờ hình dạng độc đáo của máy bay cũng như lớp phủ đặc biệt khiến radar khó phát hiện. Ảnh: DW

Một chiếc Tornado của Không quân Đức. Ảnh: Airforce Technology

Một chiếc Tornado của Không quân Đức. Ảnh: Airforce Technology

Ban đầu, có dự đoán cho rằng một phần của lô F-35 mới được Đức đặt hàng sẽ được chế tạo tại cơ sở FACO Cameri ở Italy. Điều này được ông J.R. McDonald, Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh F-35 tại Lockheed Martin, công bố vào tháng 12/2022.

Khi đó, vị quan chức cấp cao của gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết kế hoạch dự kiến liên quan đến việc Đức mua máy bay từ cả Cameri và Fort Worth để tránh tình trạng bị chậm trễ trong khâu giao hàng.

Tuy nhiên, Đức đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi lựa chọn để toàn bộ hạm đội F-35 được chế tạo tại cơ sở sản xuất ở Fort Worth, Texas, Mỹ. Hàng sẽ bắt đầu được giao cho quốc gia Tây Âu từ năm 2026, và chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ đến Đức vào năm 2027.

Trang EurAsian Times dẫn lời nhà báo chuyên về mảng hàng không, Gareth Jennings, xác nhận rằng quá trình lắp ráp và kiểm tra cuối cùng đối với chiến đấu cơ F-35 của Đức dự kiến sẽ diễn ra tại cơ sở Fort Worth. Ông Jennings nói: “Hiện tại, quá trình lắp ráp và kiểm tra lần cuối các máy bay F-35 của Đức dự kiến sẽ diễn ra tại cơ sở Fort Worth, sử dụng các linh kiện chính từ khắp châu Âu, bao gồm Đức, Anh và Italy”.

Thành phố Cameri, nằm ở phía Tây Bắc Italy, tự hào có một trong hai cơ sở FACO bên ngoài nước Mỹ; FACO còn lại ở Nagoya, Nhật Bản. Ngoài F-35 của Italy, FACO Cameri còn chịu trách nhiệm sản xuất máy bay tàng hình cho Hà Lan và Thụy Sĩ.

Chính phủ Mỹ gần đây đã quyết định mở cơ sở ở châu Âu cho bất kỳ khách hàng địa phương nào khác có nhu cầu. Các công ty Italy cũng đóng góp các bộ phận quan trọng như bộ truyền động phía sau, cánh, radio, hệ thống chiếu sáng trong buồng lái và hệ thống tác chiến điện tử cho F-35 trên toàn thế giới.

Quyết định của Đức đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do Berlin bỏ qua FACO Cameri ở châu Âu để chuyển sang cơ sở ở Mỹ. Cho đến nay, Chính phủ Đức vẫn chưa đưa ra lời giải thích chính thức nào, EurAsian Times cho biết.

Minh Đức (Theo EurAsian Times, Airforce Technology)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/duc-mua-toan-bo-lo-35-chien-dau-co-tang-hinh-f-35-san-xuat-tai-my-a663450.html