Đưa thế giới vào bài giảng du lịch
Gặp anh Nguyễn Đình Thanh sau một buổi lên lớp, anh đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc chuyên trang Sinh Viên Việt Nam về cuộc sống nhiệt huyết của mình trong hơn 20 năm làm một hướng dẫn viên kì cựu và giờ là giảng viên khoa Du lịch trường Đại học Phenikaa.
Hành trình thú vị ấy của anh Đình Thanh xuất phát từ sở thích thuở nhỏ luôn mong được đi đây đi đó, giao lưu với người nước ngoài bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và để có cơ hội tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới. Ngay khi tốt nghiệp THPT, anh đã đăng ký thi vào học chuyên ngành Sử học và Ngoại ngữ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là bước đệm đầu tiên cho con đường anh lựa chọn sau này.
Tốt nghiệp đại học với những kiến thức đã được tích lũy chăm chỉ, anh lựa chọn trở thành một hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Dù không đi theo đúng ngạch đã theo học, anh cho rằng chỉ có làm nghề du lịch thì mới thỏa mãn được ước mơ từ nhỏ của mình.
Tuy có nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi mới bước vào làm nghề, nhưng với đam mê và khát khao, mọi trở ngại dần cũng qua, anh bắt đầu được đón tiếp và phục vụ các đoàn tour du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...vv. Được tiếp xúc với những vị khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã giúp anh trở thành người hướng dẫn viên du lịch hiếm hoi vào thời điểm đó nói thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Trung, Nhật ở Việt Nam.
Anh luôn tâm niệm việc rèn luyện thực hành ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa thông qua tiếp xúc với con người trực tiếp sẽ là bước đi nhanh, vững chắc nhất trong ngành thay vì chỉ học những con chữ ở trên sách vở.
Không uổng phí công sức trau dồi bản thân, cơ hội được đi nước ngoài rồi cũng đến với anh Đình Thanh. Những quốc gia ban đầu anh được dẫn đoàn đi gần với Việt Nam và khá thuận tiện trong quá trình hướng dẫn như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan. Tới khi dẫn được những đoàn khách đi xa hơn như Nhật Bản, Nam Phi, Ấn Độ..., bản thân anh thấy thế giới dường như nhỏ lại, thân thuộc hơn.
Mỗi một lần được giao nhiệm vụ dẫn đoàn đi làm việc ở những đất nước xa hơn, văn hóa khác biệt hơn, tâm trạng anh vẫn rất hồi hộp và ngày ngày đọc, tìm tòi những điểm đến du lịch mới để chuẩn bị cho việc dẫn tour chu toàn nhất.
Thấm thoắt 20 năm đã trôi qua, gia tài trải nghiệm của anh phải kể đến 5 châu lục, gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đặt chân đến. Hàng nghìn vị khách Việt Nam đã cùng anh đi qua những điểm đến tuyệt vời trên thế giới, nay trở thành những người bạn thân thiết và vẫn luôn cùng nhau chia sẻ thông tin hữu ích về du lịch. Khi có cơ hội, họ lại cùng nhau lên đường khám phá những hành trình mới lạ, thú vị. Nhiều vị khách lớn tuổi thường hay đùa, nói với nhau “Cháu Thanh sinh ra để làm hướng dẫn viên du lịch”.
Nhiều anh em hướng dẫn viên du lịch quốc tế thường gọi anh là “Anh cả trong làng guide”. Tên gọi ấy như lời khẳng định cho cái tâm, cái tầm của chàng hướng dẫn viên du lịch nhiệt huyết này. Mặc dù tuổi đời vẫn còn trẻ so với nhiều đồng nghiệp khác, nhưng với kinh nghiệm, nhiệt huyết và tinh thần sẻ chia luôn sẵn có trong con người, anh không giấu “bài” mà luôn tìm mọi cách giúp anh em “mở tuyến” tự tin và thành công ở ngay lần đầu dẫn đoàn đi đến điểm mới.
Khi tuổi nghề đã đủ “chín”, anh nghiêm túc suy nghĩ làm thế nào để những kinh nghiệm mà bản thân đã dày công tích lũy suốt hơn 20 năm qua không bị uổng phí. Song song với việc dẫn đoàn đi khắp thế giới, anh cần mẫn nghiên cứu, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân thông qua việc tiếp tục học lên đến bậc tiến sĩ. Sau những tháng ngày tìm hiểu và vượt qua các kì tuyển chọn, anh bước vào con đường giảng dạy du lịch tại một trường đại học. Vẫn với tâm thế nhiệt huyết như khi dẫn đoàn tour quốc tế, anh đã trở thành giảng viên cơ hữu của khoa Du lịch, trường Đại học Phenikka.
Với anh, triết lý "Tôn trọng - sáng tạo - phản biện” cùng môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế tại trường đại học này sẽ là cơ hội cho anh thỏa sức truyền giảng kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng quý giá của nghề hướng dẫn cho sinh viên của mình.
Với kinh nghiệm quý báu trên đường tour suốt hơn hai thập kỷ, anh đưa văn hóa những đất nước xa xôi trở nên gần gũi trong từng bài giảng. Anh mở ra cho các em sinh viên ngành Du lịch Đại học Phenikaa không chỉ những kiến thức khoa học trên sách vở, đó là những trải nghiệm thật nhất của một “Anh cả trong làng guide”. Những kỉ niệm của mỗi chuyến đi hiện lên rõ nét qua từng bài giảng. Những kĩ năng cần có khi ở cương vị một hướng dẫn viên du lịch được anh thao tác chuẩn xác, hướng dẫn cho các em sinh viên trực tiếp, bài bản. Và cả những tình huống dở khóc dở cười, đôi khi là “chết dở” có thể xảy ra trong khi tác nghiệp, anh cũng hài hước đem vào bài giảng để các em hiểu hơn về nghề, say mê nghề như anh vẫn luôn say.
Với khao khát cống hiến cho ngành du lịch nước nhà, đứng trên bục giảng không làm chùn bước chân đã quen đi khắp thế giới của anh, mà ngược lại, đây là nơi anh bước tiếp hành trình mới, chặng đường trồng người, ươm mầm lớp trẻ tiềm năng, kế cận anh trên con đường trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch Việt Nam.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/dua-the-gioi-vao-bai-giang-du-lich-1805037.tpo