Đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

Với lợi thế có nhiều làng nghề, nghề truyền thống nhất cả nước, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển của các vùng nông thôn

Lãnh đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan các gian hàng của Hà Nội tại hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Milan thuộc Italia diễn ra từ ngày 2/12-10/12/2023. Ảnh: P.Anh/TTXVN

Lãnh đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan các gian hàng của Hà Nội tại hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Milan thuộc Italia diễn ra từ ngày 2/12-10/12/2023. Ảnh: P.Anh/TTXVN

Với lợi thế có nhiều làng nghề, nghề truyền thống nhất cả nước, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển của các vùng nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Hà Nội cũng đã tìm mọi giải pháp cũng như có chính sách hỗ trợ để làng nghề phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nhằm giới thiệu, quảng bá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội đến với bạn bè quốc tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức. Qua đó, chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác bạn hàng để ký kết hợp đồng và tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

Mới đây, Hà Nội cũng đã đưa 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham dự hội chợ Triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 tại Fieramilano Rho-Pero (Milan thuộc Italia) với tư cách là khách mời đặc biệt được tổ chức từ ngày 2/12 đến ngày 10/12/2023. Đây là hội chợ truyền thống, uy tín, được tổ chức thường niên tại châu Âu thu hút hơn 2.550 doanh nghiệp của trên 86 quốc gia tham gia đến giao dịch, mua sắm trực tiếp và 600 thợ thủ công trên thế giới tham dự.

Hà Nội có 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ uy tín, chất lượng tham gia gồm: Công ty TNHH một thành viên Musa Pacta, Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Việt Nam, HTX Ngôi nhà xanh, Công ty TNHH LV & Hòn Ngọc Viễn Đông, Công ty cổ phẩn HANHSILK, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ gốm sứ Nhật Minh, Công ty TNHH 2 TV Minh Giang Craft, Công ty TNHH Kinh doanh và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hương Anh.

Các chủ thể OCOP đã đem đến hội chợ Triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 các sản phẩm deco treo tường, lọ, bình, giỏ, sọt làm bằng sợi chuối; sản phẩm quà tặng, dụng cụ nhà bếp từ mây tre, dừa, gỗ, khảm trai, sản phẩm gia dụng, deco sơn mài; vỏ gối lụa, chăn lụa chần bông, bịt mắt ngủ, khăn mặt, găng tay tắm, khăn tắm, set tẩy trang, kén massage, khăn quàng, khăn mặt tơ tằm, khăn đũi lụa tơ tằm, vải tơ tằm; vòng lụa, bình, lọ, khay, hộp, sơn mài truyền thống; các sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên như cói, bèo lục bình; gốm sứ; khay, hộp, bát dừa, trang sức sừng, trang sức, phụ kiện, dụng cụ bếp bằng sừng trâu...

Ông Đỗ Đình Lăng, đại diện Công ty TNHH LV & Hòn Ngọc Viễn Đông - đơn vị tham gia hội chợ Triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 tại Fieramilano Rho-Pero cho biết, công ty chuyên về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống dựa trên các vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, gốm... Đặc biệt, sơn mài truyền thống Việt Nam của công ty là sản phẩm hoàn toàn khác biệt với những sản phẩm cùng loại được trưng bày tại hội chợ. Sản phẩm được kết hợp với hình dáng độc đáo, thiết kế tinh xảo đã tạo ra nhiều kiệt tác tinh tế cho nhiều không gian sống. Tham gia hội chợ này giúp doanh nghiệp được giao lưu học hỏi, có thêm kinh nghiệm, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của thị trường châu Âu và hy vọng tìm kiếm thêm đối tác mới.

Đại biểu tham quan gian hàng. Ảnh: P.Anh/TTXVN

Đại biểu tham quan gian hàng. Ảnh: P.Anh/TTXVN

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Khai Thái - đơn vị có sản phẩm tham gia hội chợ Triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 tại Fieramilano Rho-Pero cho biết, tận dụng lợi thế của xã Khai Thái là vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm ha, hợp tác xã đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này. Mục tiêu là chế biến sợi chuối thô để sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị kinh tế cao.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối ở Việt Nam vẫn còn mới trong khi tiềm năng nguồn nguyên liệu từ chuối lại nhiều. Do vậy tìm đầu ra cho sản phẩm từ sợi chuối sẽ giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Đặc biệt, sợi chuối là sản phẩm thân thiện môi trường rất được thị trường châu Âu ưa chuộng - ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội, đầu ra cho sản phẩm, ký kết đơn hàng với đối tác nước ngoài, khu gian hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội - Việt Nam trưng bày tại hội chợ còn góp phần giới thiệu hình ảnh, thông tin về làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP Hà Nội - Việt Nam; quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thương hiệu doanh nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội - Việt Nam đến với thị trường thế giới.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa "nghề" với "nghiệp" mà còn chứa đựng những yếu tố tinh thần đậm nét, phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề sản xuất truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề đều có câu chuyện riêng và đời sống tinh thần, nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn mang đậm nét văn hóa của từng địa phương, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Do vậy, Hà Nội cần hỗ trợ và có nhiều giải pháp hơn nữa giúp các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ quốc tế ngày càng nhiều và sâu rộng để sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung được tiêu dùng quốc tế biết đến

Phương Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-san-pham-ocop-ra-thi-truong-quoc-te/317326.html