Đưa rác thải nhựa từ sông lên bờ: Cần rõ định mức kinh tế để thu gom, xử lý

Theo UNDP, để đưa rác thải nhựa từ sông lên bờ hiệu quả, Việt Nam cần sớm quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật cho việc thu gom và vận hành xử lý rác; kiểm soát toàn bộ vòng đời của nhựa.

Rác thải tràn lan trên sông Cần Thơ tại khu vực chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Rác thải tràn lan trên sông Cần Thơ tại khu vực chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, 70-80% tác nhân gây ô nhiễm nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền ra sông, ra biển. Tuy nhiên thực tế vừa qua cho thấy kết quả thu gom rác thải trên sông còn thấp. Vì vậy Việt Nam cần sớm quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật cho việc thu gom và vận hành xử lý rác; kiểm soát toàn bộ vòng đời của nhựa.

Khối lượng thu gom rác còn thấp

Thông tin cụ thể tại Hội thảo tham vấn “Định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành hệ thống thu gom rác tự động trên sông” do UNDP tại Việt Nam tổ chức chiều 18/9, ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản lý Chương trình Kinh tế tuần hoàn, chất thải và biển (UNDP Việt Nam) nhấn mạnh ô nhiễm rác thải nhựa và vấn đề rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Điều đáng nói là 70-80% tác nhân gây ô nhiễm nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền (từ các đô thị ven biển và từ sông ra biển). Cho đến nay, việc thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch, rò rỉ ra biển vẫn đang là vấn đề đặt ra với Việt Nam.

Dẫn thực tế thu gom rác thải trên sông Cần Thơ, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết mặc dù đã thí điểm hệ thống thu gom rác trên sông, song khối lượng thu gom rác của hệ thống Intercepror 003 (hệ thống thu gom rác thải tự động) còn quá thấp so với công suất thiết kế (trung bình vớt được từ 130 đến 360kg rác/ngày, chỉ chiếm chưa đến 1% công suất thiết kế).

Một trong những nguyên nhân chính, theo ông Sỹ là do thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận hành thuyền tự động thu gom chất thải trên sông, vận chuyển chất thải thu gom được lên bờ và vận chuyển tới nơi xử lý (nhà máy đốt rác phát điện); còn thiếu thông tin về chi phí sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, bảo hiểm của thuyền tự động thu gom chất thải trên sông.

 Ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản lý Chương trình Kinh tế tuần hoàn, chất thải và biển, UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản lý Chương trình Kinh tế tuần hoàn, chất thải và biển, UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Do vậy chưa có cơ sở xác định đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được vớt trên sông. Trong dự thảo thông tư về quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không có quy trình và dựng định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn trôi nổi trên sông. Việc này gây khó khăn cho việc xây dựng đơn giá vận hành hệ thống Interceptor tại sông Cần Thơ và tại các sông rạch trên địa bàn toàn quốc nói chung” ông Sỹ nói.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ Phạm Nam Huân cho biết thêm từ khi triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông (do Tổ chức TOC của Hà Lan viện trợ không hoàn lại từ năm 2021 đến 2022), dự án cơ bản đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường. Sau đó, hệ thống đã bàn giao cho thành phố quản lý và vẫn đang tiếp tục vận hành.

Tuy nhiên theo ông Huân, do dự án là một trong những hoạt động thí điểm đầu tiên của Việt Nam về thu gom tự động rác nổi trên sông nên khi triển khai thực hiện có rất nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, dẫn tới khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như thời điểm ban đầu, để kịp tiến độ thực hiện thí điểm dự án, các vị trí bến bãi tập kết rác, cũng như cơ sở hạ tầng, các giải pháp vận hành chỉ mang tính tạm thời, chưa bền vững; vị trí tập kết rác tương đối xa hệ thống, giải pháp thuê tàu kéo và xe cẩu rác lên bờ chưa khả thi do phải tốn chi phí thuê.

Trong khi đó, việc thiết bị vớt rác được đặt tại vị trí cố định, hứng rác theo dòng chảy nên hiệu suất thu gom rác chưa cao, chưa chủ động linh hoạt trong quá trình thu vớt rác. Theo số liệu nghiên cứu, thống kê ở giai đoạn thí điểm thì lượng rác thải nhựa thu được chỉ khoảng 4%, tương đương 16 kg/ngày.

Ngoài ra, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán kinh phí cho đơn vị thực hiện vận hành hệ thống (cụ thể là chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật để dự toán kinh phí chi trả cho việc thu gom, bốc dỡ lượng rác thải thu gom trên sông từ hệ thống).

Cần định mức kinh tế - kỹ thuật để dự toán kinh phí

Từ việc triển khai dự án hệ thống thu gom rác nổi trên sông, đặc biệt là sông Cần Thơ trong thời gian qua, ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản lý Chương trình Kinh tế tuần hoàn, chất thải và biển nhấn mạnh Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm thiểu 75% ô nhiễm nhựa đại dương đến năm 2030 nên công tác thu gom, ngăn chặn rác thải nhựa trên các thủy vực vẫn hết sức cần thiết trong thời gian tới.

“Do đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động thu gom được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là định mức kinh tế kỹ thuật cho thu gom và vận hành các hệ thống này,” ông Vĩnh nói.

Trên cơ sở đó, ông Vĩnh đưa ra một số khuyến nghị như: Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc thu gom rác trên sông, ngăn chặn rác thải và rác thải nhựa từ đất liền theo các con sông ra biển. Cụ thể là hoàn thiện các quy trình, thủ tục (định mức kinh tế kỹ thuật), để các hoạt động thu gom rác trên sông được diễn ra thuận lợi.

Thứ hai, từ câu chuyện thu gom rác trên sông Cần Thơ, các địa phương cần nhìn rộng hơn về các giải pháp căn cơ khác nhằm giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa, tăng cường tái sử dụng, thúc đẩy tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

 Cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận hành thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên sông để "đưa rác từ sông lên bờ" hiệu quả. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận hành thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên sông để "đưa rác từ sông lên bờ" hiệu quả. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài ra để đạt được mục tiêu trên, ông Vĩnh đưa ra 3 giải pháp căn cơ để kiểm soát chặt vòng đời của nhựa. Đó là can thiệp đầu nguồn (giảm thiểu sử dụng, thiết kế sinh thái); can thiệp giữa nguồn (thúc đẩy tái sử dụng, phân loại tại nguồn); can thiệp cuối nguồn (thu gom chất thải, tái chế chất thải, xử lý chất thải).

Về phía địa phương đang vận hành hệ thống thu gom rác thải trên sông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ Phạm Nam Huân đề xuất, kiến nghị UNDP Việt Nam sẽ hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận hành thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên sông của dự án.

Cùng với đó, UNDP Việt Nam phối hợp với Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan và các đơn vị chuyên môn liên quan thực hiện nghiên cứu sâu về hướng dòng chảy, chế độ thủy văn,… để có giải pháp cải tiến hệ thống thu gom rác hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dua-rac-thai-nhua-tu-song-len-bo-can-ro-dinh-muc-kinh-te-de-thu-gom-xu-ly-post977568.vnp