Đưa ngành công nghiệp điện tử phát triển theo chiều sâu
Hiện nay, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, tin học và thiết bị điện đã, đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm trong nước và quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đòi hỏi những nỗ lực từ chính các doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ, chất lượng sản phẩm, sản xuất kinh doanh (SXKD) bài bản, chuyên nghiệp, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) và môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được lượng lớn DN FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất linh kiện điện tử.
Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án đã được đầu tư phát triển mạnh và đến nay, công nghiệp điện tử, tin học và thiết bị điện đã trở thành một trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, tin học và thiết bị điện đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh với số lượng và quy mô DN tăng rất nhanh, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020; tạo nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành điện tử - tin học và thiết bị điện trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 180 DN đầu tư sản xuất. Trong đó, có đến 40 DN có quy mô lao động từ 300 lao động trở lên, quy mô trung bình lao động/DN của ngành hiện đạt lớn nhất với 293 lao động/DN.
Các DN FDI trong ngành chiếm gần 50% DN FDI toàn tỉnh; trong đó, có đến 90 DN có quy mô lớn và sản phẩm của các DN này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic...
Có thể kể tới một số DN điển hình cho một số sản phẩm và đóng góp cao trong giá trị công nghiệp của ngành như Công ty TNHH Partron Vina sản xuất linh kiện điện tử (ISM-module cảm biến hình ảnh, LCM-module màn hình tinh thể lỏng, BLU-đèn nền,…) có vốn đầu tư 270 triệu USD; Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm camera,… vốn đầu tư 165 triệu USD; Công ty TNHH Power Logics Vina sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 100 triệu USD; Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất ắc quy chất lượng cao, ắc quy đặc chủng; Cty TNHH BH Flex Vina sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư 61 triệu USD;…
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử của tỉnh vẫn mang nặng tính chất gia công, chưa chiếm lĩnh được những vị trí vững chắc trong chuỗi gia công trong nước cũng như toàn cầu và còn thiếu nền tảng để phát triển một cách độc lập.
Các sản phẩm điện tử chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử rất ít DN đủ trình độ sản xuất; nguyên liệu, vật liệu và linh kiện để sản xuất chủ yếu được nhập khẩu.
Trong khi đó, với các sản phẩm điện tử nghe nhìn và chuyên dụng, chủ yếu đều có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ đều có thể sản xuất tại một quốc gia và xuất khẩu đi khắp thế giới; do đó, cơ hội nội địa hóa sản phẩm điện tử hiện nay cơ bản thấp hơn so với các sản phẩm cơ khí và các sản phẩm công nghiệp khác.
Đây cũng chính là thách thức trong trong công tác đầu tư, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện tử ở Vĩnh Phúc nói riêng và trên cả nước nói chung, nhất là trong những năm tới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Để đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, đưa ngành công nghiệp điện tử, tin học và thiết bị điện phát triển theo chiều sâu, có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp điện tử lớn của vùng và cả nước, tỉnh cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế; tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất giữa các DN nội địa trên địa bàn tỉnh với DN FDI, hình thành môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Với riêng các DN, trong thời gian tới, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các DN FDI lớn hoạt động trong ngành điện tử trong nước và toàn cầu, tận dụng tốt cơ hội khi Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng các nhà máy thông minh theo các chương trình hợp tác giữa Bộ Công thương với Tổ hợp Samsung Việt Nam đòi hỏi các DN phải tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến về chất lượng, tăng năng suất, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, đưa các hoạt động SXKD bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), từ đó tận dụng cơ hội, tiếp cận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy hoạt động SXKD phát triển.