Đưa mô hình phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật vào trường học

Theo công an các địa phương, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những tác động tiêu cực từ các thông tin độc hại trên không gian mạng và những hoạt động thiếu lành mạnh ngoài xã hội.

Công an H.Long Thành triển khai mô hình Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID tại Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (TT.Long Thành). Ảnh: T.Danh

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền phòng ngừa để sớm ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội. Trong đó, mô hình Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID đang được đẩy mạnh thực hiện.

* Nguy cơ thanh, thiếu niên phạm pháp luôn hiện hữu

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các nguồn thông tin, phim ảnh có nội dung độc hại trên không gian mạng đã và đang có những tác động tiêu cực đến nhận thức của các đối tượng trẻ em, người trong độ tuổi chưa thành niên... Những ảnh hưởng xấu đó đã khiến cho thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật có xu hướng tăng.

Ngoài ra, theo cơ quan công an, phần lớn các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến những đối tượng thanh, thiếu niên đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong đời sống xã hội nhưng không được ngăn chặn kịp thời dẫn đến hậu quả lớn.

Đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa là cán bộ thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa thanh, thiếu niên, học sinh phạm tội. Đại úy Sử cho biết, rất nhiều em còn ở lứa tuổi rất nhỏ (chỉ từ 12-13 tuổi) nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật. Ban đầu chỉ là tham gia giải quyết mâu thuẫn cá nhân, rồi dẫn đến ẩu đả gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...

Tháng 1-2023, Tổ Tuần tra 161 Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.Biên Hòa bắt nhóm đối tượng tham gia vụ gây rối trật tự công cộng trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định trong nhóm này có nhiều đối tượng chỉ mới 12-13 tuổi. Các đối tượng khai chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội nên đã rủ thêm bạn cùng tham gia đánh nhau. Trong vụ việc này, Công an TP.Biên Hòa đã bắt, xử lý 15 đối tượng liên quan.

Nghiêm trọng hơn, cũng vào tháng 1-2023, Công an tỉnh đã bắt giữ V.N.T K. (17 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và N.H.N. (19 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) khi các đối tượng này gây ra vụ án mạng tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa).

Cuối năm 2023, Công an TP.Biên Hòa đã tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niên có nguy cơ phạm pháp. Tại đây, thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, có những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày hay trong giao tiếp, quan hệ lối xóm, công việc nhưng các bên không có thiện chí giải quyết dẫn đến mâu thuẫn ngày càng phức tạp. Điều này có thể dẫn đến các vụ xô xát gây thương tích nặng, thậm chí là án mạng hoặc các hậu quả pháp lý khác. Khi đó, các bên liên quan đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Những người vi phạm trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng không là ngoại lệ.

* Ngăn chặn sớm hành vi phạm pháp trong giới trẻ

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong giới trẻ, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với chính quyền, các tổ chức, trường học triển khai mô hình Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID. Đến nay, TP.Biên Hòa và một số địa phương khác đã triển khai mô hình này sâu rộng đến các đối tượng thanh, thiếu niên, nhất là những em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày 22-1, tại Trường THCS Lê Lợi (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đã diễn ra buổi lễ ra mắt mô hình Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID. Tại đây, đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đề nghị Công an TP.Biên Hòa phân công lãnh đạo, chỉ huy phụ trách thường xuyên theo dõi, đôn đốc các hoạt động của mô hình trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, lực lượng công an chủ động trao đổi, thông tin cho ngành Giáo dục về tình hình, xu hướng trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật để phối hợp tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Công an tỉnh, việc xây dựng mô hình này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình tại các trường học sẽ từng bước hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh tránh xa những hành vi phạm pháp; gia đình, nhà trường cũng sớm phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ phạm pháp của học sinh, con em mình.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt mô hình này tại Trường THCS Lê Lợi (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vào ngày
22-1, thượng tá Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, trong những năm qua, Công an thành phố đã tham mưu Thành ủy, UBND TP.Biên Hòa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, người dân đã tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Phần lớn trẻ em, người chưa thành niên trên địa bàn đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật; ý thức sống và làm việc theo pháp luật được coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Mặc dù vậy, tình hình thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn có chiều hướng gia tăng như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, sử dụng thuốc lá điện tử, phổ biến nhất là vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông... Đây là những yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực tế đó, việc sử dụng tiện ích, tin báo của ứng dụng VNeID để tố giác, báo tin cho lực lượng công an được xem là một giải pháp hiệu quả để góp phần phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Ngày 29-1, mô hình Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID được ra mắt tại Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (TT.Long Thành, H.Long Thành). Theo trung tá Nguyễn Trọng Vinh, Phó trưởng Công an H.Long Thành, mô hình này sẽ hỗ trợ cho nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Ban chỉ đạo mô hình phải thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế hoạt động của mô hình và các tiêu chí xây dựng trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường, góp phần làm giảm tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tịch UBND TT.Long Thành (H.Long Thành) Ngô Hồng Hà cho rằng, các thành viên trong ban chỉ đạo mô hình này phải thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động. Trong đó, thường xuyên phối hợp, tham mưu lãnh đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi để đưa mô hình đi vào hoạt động chất lượng, thiết thực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị dạy tốt, học tốt nhằm nâng cao nhận thức, nền tảng kiến thức pháp luật của học sinh.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202402/dua-mo-hinh-phong-ngua-tre-em-vi-pham-phap-luat-vao-truong-hoc-6e04aa3/