Đưa Dung Quất thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng xanh hàng đầu Đông Nam Á

Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất sẽ đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi, thu hút 15 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030.

Đây là một trong những mục tiêu hướng tới của Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia (gọi tắt là Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất) trị giá gần 20 tỷ USD được Bộ Công thương xác lập trong đề án phát triển, xây dựng và xin ý kiến các bên liên quan.

Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng xanh hàng đầu Đông Nam Á

Theo đó, đến năm 2030, Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tối thiểu 30% nhu cầu cả nước, thu hút 15 tỷ USD vốn đầu tư và hình thành mạng lưới hợp tác với các tập đoàn năng lượng, công nghệ hàng đầu thế giới.

Đến năm 2050, bên cạnh đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, dự án hứa hẹn thu hút 50 tỷ USD vốn đầu tư và trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng xanh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - "trái tim" của khu kinh tế Dung Quất, giúp tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trong các địa phương top đầu đóng góp vào ngân sách quốc gia (Ảnh: Hoàng Anh)

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - "trái tim" của khu kinh tế Dung Quất, giúp tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trong các địa phương top đầu đóng góp vào ngân sách quốc gia (Ảnh: Hoàng Anh)

Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất được định hướng phát triển các lĩnh vực như lọc hóa dầu và năng lượng; phát triển hạ tầng - tiện ích; liên kết vùng.

Trong đó, mảng lọc hóa dầu và năng lượng sẽ tập trung cho lọc dầu, hóa dầu và năng lượng, từng bước tự chủ một số nguyên liệu quan trọng, giảm nhập siêu và hướng tới xuất khẩu nguyên liệu, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đẩy mạnh tích hợp, tổ hợp lọc - hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên trong khu vực và các nguồn nguyên liệu sạch khác nhằm nâng cao hiệu quả.

Đề án nêu rõ, Trung tâm sẽ tối ưu hóa khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong khu vực, bao gồm khí và condensate từ Lô 117-118-119 (Cá Voi Xanh), Lô 113-114-115 và các khu vực lân cận; nguyên liệu sinh khối.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối với các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, tạo quan hệ đối tác chiến lược với doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp liên quan như thép, nhựa… tại các khu kinh tế lân cận (như Chu Lai) để mở rộng chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Định hướng phát triển đề án cũng lưu ý phương án dự phòng trong trường hợp dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh chậm tiến độ.

Cụ thể, theo Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch năng lượng quốc gia, tại khu vực tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã quy hoạch 5 nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên nội địa từ mỏ Cá Voi Xanh với tổng công suất 3.750 MW, gồm: Dung Quất I, II, III và Miền Trung I, II.

Tuy nhiên, hiện tiến độ triển khai dự án Phát triển mỏ Cá Voi Xanh đang chậm và không thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của Tập đoàn Exxon Mobil (từ năm 2019 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hoàn thành Kế hoạch phát triển mỏ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai và có dòng khí đầu tiên vào năm 2026 như kế hoạch phê duyệt).

Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh dự án Phát triển mỏ Cá Voi Xanh chậm tiến độ, chưa có kế hoạch phát triển cụ thể thì cần xem xét phương án sử dụng nguồn LNG thay thế tạm thời/dài hạn nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh cung cấp cho các nhà máy điện.

Theo đó, phương án dự phòng đưa ra là đầu tư kho cảng LNG trong Khu kinh tế Dung Quất theo các hình thức: kho nổi nhập khẩu LNG (FSRU - Ffloating Storage Regasification Unit) hoặc kho cảng LNG trên bờ (LNG Landbase Terminal) để cung cấp nhiên liệu khí tạm thời/dài hạn cho 5 nhà máy điện nêu trên.

Bên cạnh khuyến khích phát triển các dự án làm hoàn thiện hệ sinh thái và gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy sẵn có (sử dụng sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và các nhà máy khác), Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất ưu tiên triển khai các dự án bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và khu vực, các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch.

Đặc biệt là định hướng đầu tư và danh mục dự án đầu tư tiềm năng vào Trung tâm.

Cụ thể, những dự án như trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực tạo sản phẩm mới hóa dầu quy mô vốn từ 1.500 tỷ đồng trở lên, pin nhiên liệu từ hydrogen từ 10.000 tỷ đồng trở lên, kho ngoại quan, kho dự trữ quốc gia quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng… thuộc danh mục ưu tiên thu hút.

Theo đề án, một trong những điều kiện đòi hỏi trở thành nhà đầu tư chiến lược là phải có vốn điều lệ tối thiểu 10.000 tỷ đồng hoặc tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên, sở hữu kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án tiềm năng của Trung tâm Lọc hóa dầu Dung Quất khoảng từ 16 - 20,5 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 14,1-17,5 tỷ USD và giai đoạn 2031-2045 khoảng 2-3 tỷ USD.

Tức trung bình mỗi năm, tổng nhu cầu vốn vào khoảng 770-980 triệu USD. Tỷ trọng nhu cầu vốn đầu tư theo các nhóm dự án (tiềm năng) tương ứng gồm: lọc hóa dầu 54-56%, năng lượng 37-39%, năng lượng mới, năng lượng tái tạo 5-9%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Hiện đề án đón nhận một số yêu cầu của các nhà đầu tư lớn về quỹ đất, giao thông, hạ tầng và đặc biệt là vận hành tổng thể Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất. Những ý kiến này sẽ được rà soát, bổ sung để trình Ban thường vụ Tỉnh ủy, ông Giang nhấn mạnh.

Cơ chế đặc thù

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và định hướng nêu trên, Bộ Công thương xác lập một số giải pháp liên quan, trong đó nhấn mạnh ở các cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, nguyên liệu.

Điển hình, là kiến nghị ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án tiềm năng đầu tư vào Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất.

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai hiện hành (Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 103/2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) ở mức ưu đãi cao nhất.

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Luật Đầu tư 2020 và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016).

Chính sách đặc thù kiến nghị tiếp theo là vấn đề phân cấp, ủy quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Theo Bộ Công thương, trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, đề xuất ủy quyền cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án này.

Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương thực hiện như đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương, UBND tỉnh lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và quyết định theo thẩm quyền.

Tiếp theo, là cơ chế phân cấp, ủy quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án nhằm góp phần giải quyết thủ tục chồng chéo không cần thiết giữa các cấp trung ương với địa phương, tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai, thu hút đầu tư nước ngoài.

Bộ Công thương khuyến nghị, khi hình thành các dự án thành phần trong Trung tâm năng lượng có thể xem xét ủy quyền cho UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo dưới các tiêu chí biên đã được Thủ tướng chấp thuận trong đề án Trung tâm năng lượng.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dua-dung-quat-thanh-trung-tam-loc-hoa-dau-va-nang-luong-xanh-hang-dau-dong-nam-a-d38651.html