Du Xuân biển đảo Kiên Giang
Kiên Giang có 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có dân sinh sống. Vượt qua một năm đầy khó khăn, cảnh sắc thiên nhiên biển đảo Kiên Giang lại bừng lên căng tràn sức sống, gọi mời khách du xuân.
Chạm tay đảo ngọc
Nhắc tới biển đảo Kiên Giang là nhắc tới danh xưng “đảo ngọc” của Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam. Từ hòn đảo hoang sơ với những làng chài nép mình bên bờ biển, Phú Quốc đã vươn mình trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển không chỉ của Việt Nam, mà còn của thế giới.
Tới Phú Quốc hôm nay, chắc chắn du khách sẽ choáng ngợp trước quy mô hoành tráng của các resort 5 sao trải dài từ Bắc tới Nam đảo. Các khu vui chơi giải trí đẳng cấp cao, vườn thú bán hoang dã, công viên chủ đề Vinpearl Land, cáp treo vượt biển được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness, khu lặn biển Hòn Thơm… Nhưng nếu chỉ đơn giản đặt chuyến du lịch rồi đi theo hướng dẫn viên tham quan từng điểm thì du khách mới ngắm nhìn, chứ chưa “chạm tay” vào đảo ngọc, chưa thực sự cảm nhận đầy đủ về hòn đảo xinh đẹp này. Thay vào đó, du khách có thể chọn hành trình khám phá đảo ngọc từ những nhà thùng nước mắm, những vườn tiêu, tới thăm trang trại nuôi chó xoáy nổi danh khôn ngoan, lắng nghe những câu chuyện kể từ trăm năm về nơi đây..., mới thỏa thích về Phú Quốc.
Ông Hà Tấn Tài, chủ một nhà thùng nước mắm, vẫn tự hào mình là cư dân đời thứ tư gắn bó với hòn đảo, cũng gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống. Cách đây hơn 100 năm, khi Phú Quốc còn cách trở với đất liền, khắp trong Nam ngoài Bắc đã biết danh nước mắm Phú Quốc.
Ông Tài là một trong rất ít người còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm về nghề truyền thống lâu đời này. “Từ những lần hội chợ đấu xảo ở Hà Nội, những chiếc chum, vại bằng sành sứ ủ nước mắm, những công thức, bí quyết sản xuất…, tôi đều lưu giữ hết. Khách tới nhà thùng tham quan, mua sản phẩm về làm quà, tôi đều giới thiệu những hiện vật, tư liệu này để khách hiểu thêm về nước mắm trứ danh Phú Quốc”, ông Tài chia sẻ.
Ông Lê Quốc Tuấn (54 tuổi), chủ trang trại bảo tồn, phát triển giống chó xoáy Phú Quốc, kể câu chuyện bén duyên với đất đảo, rồi mê mẩn giống chó hoang dã lúc nào không hay. Chó Phú Quốc sống trong những cánh rừng nguyên sinh trên đảo, đào hang nuôi con, săn bắt các loài thú nhỏ làm thức ăn. Đặc điểm giống chó này là hung dữ, dáng cao, eo thon, mõm dài, có xoáy đặc trưng chạy suốt sống lưng, và nhất là có màng giữa các ngón chân. Năm 2005, ông Lê Quốc Tuấn là người đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu “chó Phú Quốc”.
Hoang sơ Nam Du
Nếu Phú Quốc thu hút hàng ngàn dự án đầu tư, vươn mình phát triển với những resort, khách sạn xa hoa lộng lẫy, thì huyện đảo Kiên Hải vẫn còn nét hoang sơ mộc mạc mà mê đắm lòng người. Ngoài xã Hòn Tre là trung tâm hành chính, 3 xã còn lại là Lại Sơn (Hòn Sơn), An Sơn (Hòn Lớn) và Nam Du (Hòn Ngang) đều là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Kiên Hải có 23 hòn đảo, trong đó riêng 2 xã An Sơn và Nam Du đã có tới 21 hòn đảo nằm rải rác trên một vùng biển chỉ rộng khoảng 6,75km2 nên được mệnh danh là “vịnh Hạ Long” ở biển Tây Nam. Tới các đảo ở Kiên Hải, việc đầu tiên du khách nên làm là thuê xe máy rong ruổi theo những cung đường quanh đảo, xuyên đảo đẹp mê hồn. Nhiều đoạn đường uốn lượn theo triền núi, có đoạn nhìn xuống thung lũng tầm mắt bao quát gần hết một nửa đảo. Những cung đường này không quá dài, như ở Hòn Sơn chỉ khoảng 14km, ở Hòn Lớn khoảng 10km… Du khách tự đi xe máy quanh đảo sẽ vừa cảm nhận không khí biển mặn mòi, vừa thoải mái chụp cảnh đẹp.
Tại Hòn Sơn, ban ngày du khách có thể dành thời gian leo núi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh cao khoảng 500m so với mực nước biển. Có 2 con đường lên đỉnh, một khoảng 2.200m dễ đi và một tầm 1.300m rất dốc, chỉ thích hợp với bạn trẻ. Tại đây, vừa thưởng thức món gà ta nuôi thả trên sườn núi, vừa phóng tầm mắt bao quát toàn bộ vùng biển xung quanh đảo Hòn Sơn, chắc không gì sảng khoái hơn.
Cái hay ở các đảo của huyện Kiên Hải là người dân địa phương tự làm du lịch. Những chủ khách sạn, nhà nghỉ, quán cơm, cơ sở cho thuê xe gắn máy ở Hòn Lớn, Hòn Ngang, Hòn Sơn đều là người địa phương. Ngoài cung cấp dịch vụ cho khách với giá bình dân hiếm có, họ còn trải lòng với những câu chuyện về quá trình sinh sống, gắn bó của mình với đất đảo...
Du lịch thích ứng an toàn
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay, thời điểm Tết Dương lịch, cũng như Tết Nhâm Dần 2022 là thời điểm biển đảo Kiên Giang bước vào mùa du lịch đẹp nhất, khi khí hậu mát mẻ dễ chịu, ít mưa, ít nắng, biển trong, hải sản dồi dào… Bước vào thời điểm thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch Kiên Giang cam kết mang lại một môi trường an toàn cho người dân và du khách.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/du-xuan-bien-dao-kien-giang-790477.html