Dư vị đêm Thế giới trong tà áo dài Việt
Rộn ràng. Lộng lẫy. Duyên dáng. Có thể nói như vậy về chương trình mới nhất của chiến dịch 'Áo dài - di sản Việt Nam' tiến tới khẳng định một cách chính thức rằng áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.
Không phải lần đầu áo dài được trình diễn ở Văn Miếu nhưng tối 9/4 thật đặc biệt, là điểm hội tụ của ánh sáng, của âm nhạc và múa, của áo dài và phụ kiện, của thiết kế sân khấu độc đáo... Một bữa tiệc no nê và thậm chí hơi quá nhiều điểm nhấn.
Chủ đề “Thế giới trong tà áo dài Việt” vốn dễ hấp dẫn. Những người tổ chức chương trình càng chứng tỏ họ đã khai thác, tận dụng chủ đề này một cách hoàn hảo như thế nào.
15 bộ sưu tập (BST) của 15 nhà thiết kế (NTK) ba miền, mỗi người chọn một đất nước để đưa lên tà áo dài Việt. Sau đêm diễn, tổng đạo diễn- nhà thiết kế Minh Hạnh tự tin: “Thế giới đã hiện diện trong tà áo dài Việt và áo dài Việt đương nhiên sẽ đĩnh đạc đi ra thế giới. Có thể nói đó là chiếc áo dài của trí tuệ”.
Nói đêm diễn thật “rộn ràng” bởi mỗi BST (gồm mấy chục chiếc/bộ) không chỉ được trình diễn bởi mấy chục người mẫu chuyên nghiệp mà còn đan cài với các người mẫu nghiệp dư, có cả các vũ công (nam và nữ) với những vũ đạo đẹp mắt. Trên tay hoặc trên đầu các người mẫu là những phụ kiện độc đáo tôn lên tà áo họ mặc. Sân khấu dài tới mấy trăm mét, chạy dọc từ cổng chính của Văn Miếu vào. Có lẽ đây là một trong những sàn diễn thời trang dài nhất và độc đáo nhất nước. Hàng nghìn đèn lồng trắng được thắp sáng phía trên đầu khán giả, trên những lùm cây cổ thụ. Đúng là “ngàn cây thắp nến lên hai hàng”. Khiến Văn Miếu trở nên lung linh khó tả.
Không để khán giả phải chờ đợi, sự rộn ràng đến ngay từ phút đầu tiên khi âm nhạc nổi lên. Một dàn học viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mặc những chiếc áo dài đồng phục, tay cầm bó lúa như một thông điệp về áo dài - cội nguồn của đời sống và văn hóa Việt Nam. Sau tiết mục mở màn này đương nhiên cũng là một BST đậm bản sắc Việt Nam của NTK Huệ Thi. Sau đó là hai BST đều đặc sắc, một giới thiệu sự bình yên của đất nước Lào (NTK Trung Beret) và BST thể hiện sự sang trọng của hoàng gia Thái Lan (NTK Trần Thanh Mẫn).
Hưởng ứng chiến dịch Áo dài- di sản Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam phát động, chương trình Áo dài của chúng ta chủ đề Thế giới trong tà áo dài Việt diễn ra từ 6/4 cho đến 2/5 mới kết thúc. Ngoài đêm diễn duy nhất ở Văn Miếu còn có: 1/Trưng bày BST áo dài cung đình triều Nguyễn của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (Huế) và trưng bày Áo dài qua các giai đoạn phát triển từ đầu thế kỷ 19 đến nay. 2/ Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam công bố hình ảnh và sở hữu trí tuệ đầu tiên của thiết kế áo dài nhận diện mới (chim bồ câu trắng ngậm nhành lúa chín với thông điệp về hòa bình trong ấm no thịnh vượng). 3/Áo dài gắn với những chất liệu truyền thống như lụa tơ tằm và bây giờ là vải gai truyền thống vừa được hồi sinh bằng công nghệ hiện đại..v..v
Mỗi BST đều được trình diễn trên nền một ca khúc tiêu biểu của một đất nước. Khán giả thảy đều ồ lên trước một ca khúc quen thuộc, hoặc một chi tiết độc lạ của màn trình diễn, hoặc một gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng nhưng lâu lắm họ không bắt gặp thì nay xuất hiện với tư cách người mẫu.
Rộn ràng, trước hết bởi sự phong phú đa dạng của các BST. Như trong BST Nhật Bản của NTK Hà Duy thì không chỉ hoa anh đào mới là điểm nhấn mà còn có dàn trống được các chú bé trình diễn sinh động. Với BST Hy Lạp của NTK Trịnh Bích Thủy thì là những chiếc chuông gió lớn và đẹp mắt điểm tô cho những câu chuyện thần thoại ẩn hiện trên tà áo.
Rộn ràng, lộng lẫy và duyên dáng - bởi âm nhạc, múa, thời trang… được kết hợp một cách tài tình đem lại sự mãn nhãn. Nếu chỉ có thời trang không thôi thì chắc không cuốn hút đến thế.
Ra mắt BST Ấn Độ, hoa hậu- NTK Ngọc Hân đương nhiên đính một nốt ruồi lên trán, nhưng cô còn tạo được các điểm nhấn khác. Ví dụ trong số người mẫu tham gia trình diễn BST của cô còn có hai người khuyết tật, mà một chính là người nổi tiếng Nguyễn Thị Vân (trung tâm Nghị Lực Sống). Vân vận áo dài, được người chồng Úc cũng vận áo dài cách tân đẩy xe lăn với nụ cười rạng rỡ.
Áo dài mặc với quần Jeans hoặc đi giày thể thao, nay đã là chuyện thường. Vậy áo dài có thể đi với mũ lưỡi trai nghịch ngợm? NTK Công Huân cho câu trả lời rằng “hoàn toàn có thể”, thông qua BST lấy cảm hứng từ nước Mỹ của mình. Thực sự phá cách.
Khán giả hôm ấy rất đông so với một buổi trình diễn thời trang, và có đủ thành phần trong đó không thể thiếu những gương mặt “thế giới”. Quan sát cách mà họ hứng khởi dõi theo từng BST, cả trang phục mà họ diện (rất nhiều áo dài), rồi họ bắt tay nồng nhiệt cảm ơn những người tham gia chương trình, thấy rõ tầm quan trọng một sự kiện như thế này. Các BST dù lộng lẫy đến đâu, đều khiến khán giả dễ quên khi đêm diễn khép lại. Nhưng một cuộc như ở Văn Miếu vừa qua gây cảm giác có những người đã làm tất cả để tôn vinh áo dài, nhắc nhở tất cả rằng đừng lãng quên vẻ đẹp và vị thế của áo dài- một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Và quả là không dễ mà quên thật.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-vi-dem-the-gioi-trong-ta-ao-dai-viet-post1327381.tpo